Sự tích về Ngũ vị tân theo Phật giáo thì ngày xưa bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên, khi đến chùa lễ Phật, không mang theo cúng phẩm nên các vị tăng tiếp khách đón tiếp lạnh nhạt. Trong lúc đó, những vị mang nhiều phẩm vật đến cúng chùa thì được các tăng đón tiếp niềm nở, trà nước đầy đủ. Bà Thanh Đề đem lòng oán giận, nên sau đó, bà làm một mâm bánh bao nhân thịt mang đến cúng dường thì các tăng thấy vậy ra tiếp đón rất niềm nở, trà nước đầy đủ.
Khi các tăng báo cáo lên Hòa Thượng trụ trì, Hòa Thượng biết rõ sự việc nên cấm nhặt chư tăng không được dùng các bánh bao nầy, nhưng vẫn vui vẻ tiếp đón bà Thanh Đề, và giả vờ ăn cho bà ấy hả dạ để không quấy rầy nữa nhưng thật ra lại bỏ bánh bao vào trong tay áo, chờ cho đến khi bà ấy ra về thì bỏ phía sau chùa.
Thời gian sau, nơi chỗ đổ các bánh bao nhân thịt ấy, mọc lên 5 thứ cây có vị cay nồng và hôi hám. Đó là 5 thứ cây : hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Hòa Thượng trụ trì cho đó là uế vật, cấm chư tăng không được dùng làm thức ăn vì chúng kích thích lòng dục và tánh nóng nảy của con người.
Ngũ vị tân còn gọi là Ngũ huân
Ngũ vị tân là 5 thứ có vị cay nồng và mùi hôi..
Ngũ vị tân gồm : hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén.
Bên Phật giáo, khi ăn chay thì cữ Ngũ vị tân.
Tu theo Tiên giáo, khi ăn chay, không kiêng cữ các thứ nầy, hễ là thảo mộc thì được ăn.
Phật giáo vì tích Mục Liên Thanh Đề gọi là uế vật.
Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật nào.
Trong Trời Đất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối.
Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân, vẫn là thảo mộc.
Có cữ là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần.
Người mới học đạo cần phải lao động trong trường công quả thì chưa buộc phải kiêng cữ, nhưng ai kiêng cữ được thì quá tốt.
Vậy nên việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá mà cũng không nên bất cập.
Ăn ngũ vị tân không thể cho rằng là đúng cũng không thể nói là sai, vì trong Địa Mẫu Chơn Kinh, có 1 đoạn được hiểu rằng tất cả những loại thảo mộc đều được chính mẹ ban phát xuống trần để chúng sanh được dùng:
"Có tạo lảnh the đầy lụa vải
Cùng quả hoa rau cải trái cây
Nào là chua ngọt đắng cay
Lúa ăn thuốc uống rừng cây ai tường.
Hành, ớt, hẹ, gừng, đường, tiêu, tỏi
Khắp nhơn sinh ai khỏi bệnh đâu
Hoá sanh linh dược nhiệm mầu
Cao lương mỹ vị thiếu đâu vật nào.
Lại có dấm, chanh, dầu, tương, muối
Suối nào bằng nguồn suối tình thương
Mẹ ban trăm vạn mùi hương
Lao tâm tổn huyết đoạn trường vì con."
Như tích bà Thanh Đề cúng dường các vị chư tăng, tuy họ không dùng nhưng không tỏ vẻ đối kháng mà vui vẻ dung hoà.
Thế nên đối với bậc cư sĩ tại gia, không nên quá cứng nhắc mà cũng không quá mềm. Mà dung hoà giữa 2 vế. Người ta bán đồ chay sao thì ăn vậy, nhà nấu sao thì dùng vậy, không thích dùng thì bỏ ra, không nên khó chịu, mà cũng không được tỏ vẻ "ham muốn" nếu như không có để mà ăn.
Có thì dùng, không có cũng chẳng sao, đừng bao giờ đi "tìm kiếm" để mà phải mua cho bằng được để rồi mới chịu ăn, thì như vậy là không tốt!!!
Ngọc Bích chia sẻ những điều sau đây, để mọi người chọn lọc và cân nhắc. Có cái nhìn rõ hơn về Ngũ Vị Tân.
Không cấm đoán, cũng không khuyến khích mà tuỳ cảm nhận của mỗi người để hành xử và sử dụng hợp lí.
Và tốt nhất sau mỗi bữa ăn, đến giờ đọc kinh niệm Phật. Mình khuyên rằng dù ăn bất cứ thứ gì, các bạn nên đi vệ sinh răng miệng trước khi bắt đầu đọc kinh niệm phật. Như vậy phần nào thanh sạch và tốt nhất có thể!
Nam Mô A Di Đà Phật
Vạn Vật Thái Bình
DƯƠNG HOÀNG HẢI