SUY NGẪM THÊM VỀ VÔ MINH.
Có một lần trong quán trà đạo, tôi tình cờ được nghe thấy mấy người ngồi gần đó tranh luận với nhau về sự việc gì đó, thấy người này bình luận người kia như sau : anh đúng thật là người trong cảnh giới Vô minh.
Nghe vậy thì giống như một người đang rất Vô minh, còn người kia thì Tỉnh giác, nhưng thật ra nếu xét kỹ thì cả hai cũng vẫn đều là người Vô minh cả thôi , vì nếu ai đã từng tìm hiểu về Vô minh trong các Kinh ,Luận Phật pháp thì nghe câu bình luận ở trên thì chúng ta sẽ liên tưởng đến một câu chuyện ngụ ngôn nói về hai chú cừu tranh luận với nhau , chú cừu này be be bảo chú cừu kia: ông đúng là đồ con cừu ,nhưng dù có bảo đối thủ là con cừu thì cả hai cũng vẫn cứ là thân phận con cừu như nhau.
“Vô Minh” là một từ ghép Hán Việt. Nếu dịch nghĩa từng chữ ra ta sẽ thấy “vô” là không, “minh” tức sáng suốt. Do đó vô minh có thể hiểu đang ám chỉ trạng thái u mê, không sáng suốt của con người.
Vô minh tức là thiếu hiểu biết. Nhưng trong Phật pháp việc thiếu hiểu biết ở đây không đề cập đến trí tuệ, kiến thức của nhân loại. Đối với Phật Giáo thì một học giả uyên bác, một triết gia thông thái, một khoa học gia lỗi lạc hay một chính trị gia khôn ngoan v.v... vẫn có thể là những người "vô minh" và "u mê", vì tuy rằng họ hiểu rành rọt về chuyện này thế nhưng cũng có thể nhìn sai và hiểu sai về một chuyện khác.
Từ Vô minh được dùng trong đạo Phật để chỉ những quan niệm không đúng về bản chất của thực tại, làm cho chúng sanh không thấy rõ lý nhân quả nghiệp báo, Tứ thánh đế, Thập nhị duyên sinh và Tính không duyên khởi, thực tướng của vạn pháp, của vạn hữu.
Với trí tuệ của Đạo Phật thì khi một chúng sinh xuất hiện ở đời thì đồng nghĩa với Vô minh xuất hiện, vì không có Vô minh thì không có chúng sanh, không có ba cõi sáu đường, không có thế giới chúng ta đang ở, không lầm thấy có ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Vô minh hiện hữu ở khắp mọi nơi, chi phối mọi hoạt động của mỗi chúng sinh, và chúng sinh với Vô minh là một thể thống nhất. Vì chúng sanh với Vô minh đồng một thể nên chúng sanh khó thấy biết được Vô minh.
Trong đạo Phật, các vị Bồ Tát tu hành, đến lúc chân cùng hoặc tận, tột bậc Thập địa, chứng lên vị Đẳng giác, khi ấy vẫn còn phải dùng trí Kim Cang đoạn trừ sanh tướng vô minh xa lìa các vọng hoặc rất vi tế, và nhất niệm hiệp với tâm thể Chân như,khi đó Bồ Tát chứng quả Diệu giác Phật, tiến đến địa vị Phật quả thì mới hoàn toàn sạch bóng Vô minh, không còn ở trong cảnh giới Vô minh nữa.
Khi đọc đến chỗ này thì ta thấy được hai người tranh luận ở trên rốt cuộc đều vẫn đang là người sống trong cảnh giới do Vô minh tạo ra, không những họ mà chúng ta cũng đang vậy cho đến khi chúng ta đi vào đường tu để thoát khỏi cảnh giới Vô minh.
Vậy người thường như chúng ta làm thế nào để thấy biết được Vô minh ? Tuy chúng ta không biết hình tướng đích thực của Vô minh nhưng nếu Vô minh là thể thì dụng của Vô minh là một loại lực chi phối Tâm, Trí của chúng sanh làm cho Tâm nảy sinh Tham, Sân, Si là cái chúng ta có thể cảm nhận được một cách mờ nhạt , còn Trí thì bị chi phối bởi Tà kiến, Chấp ngã, Sở tri chướng thì khó thấy hơn.
Đương nhiên để cảm nhận thấy biết được rõ nét chúng ta cần phải đi vào con đường Giác ngộ tu hành, về Lý là đọc hiểu nhận biết các lời dạy của Phật và chư tổ sư về Vô minh thông qua các Kinh, Luận, về Sự là tu tập các pháp tu như Thiền Chỉ ,Thiền Quán, Tịnh hay Mật để khai Trí thì theo lý thuyết sẽ dần hiểu biết được Vô minh là gì và chuyển hóa từng phần của Vô minh, dần chuyển biến nguồn Tâm từ Mê đến Giác, từ Phàm lên Thánh, từ Vô minh sâu dày thành mỏng nhẹ, dần đến vắng bóng Vô minh.
Ở trong Thiền Định, giây phút người tu Thiền chuẩn bị đi vào chánh Định và nhiếp Tâm dừng hiện nghiệp, sáu căn sắp sửa rời bỏ Vô minh hiện tiền để thể nhập Giác trí, thì ngay chỗ thể nhập Giác trí đầu tiên là Tâm thấy được Tướng trạng Vô minh.
Tướng trạng Vô minh trong Thiền Định đầu tiên Tâm thấy được đó là tướng ngũ Triền cái Dục tham, Sân hận, Hôn trầm Thụy miên, Trạo hối, và Nghi ngờ. Ngũ Triền cái chỉ xuất hiện rõ nét khi Thân Tâm bắt đầu có khuynh hướng bất động. Hằng ngày Thân Tâm vọng động, hòa cùng Vô minh để tạo tác ra ba nghiệp Thân Khẩu Ý nên chúng ta không nhìn rõ được Vô minh. Đợi đến khi Thân Tâm sắp vào tĩnh lặng, nghiệp không hiện hành các căn tạm yên, thì Vô minh hiện ra.
Thể của ngũ Triền cái là Vô minh nên giữa Giác trí và Vô minh xảy ra tranh chấp. Giống như lực đẩy và lực hấp dẫn, lực nào lớn hơn sẽ thắng, nếu Vô minh (ngũ triền cái) thắng thì Tâm vẫn còn bị lệ thuộc Vô minh, nếu Giác trí lấn át thì trong Tâm xuất hiện các Thiền chi Tầm Tứ Hỷ lạc Nhất tâm thay thế ngũ Triền cái .
Từ cơ chế này, sự xuất hiện của các Thiền chi Tầm Tứ Hỷ lạc Nhất tâm cho phép hành giả biết rằng Thân Tâm đã bắt đầu thuận theo nguồn Giác. Thuận theo nguồn Giác nên các chi Thiền mới sanh. Khi Tâm có các chi Thiền thì ngũ Triền cái vắng mặt. Tất cả mọi Giác ngộ trong Phật giáo đều có khuynh hướng đưa Thân Tâm đến vắng lặng bất động . Nên dù Giác ngộ ở thừa nào,từ Căn bản cho đến Mật thừa , cứu cánh ra sao đều có mùi vị của Thiền , tất cả các hành giả khi đi vào đường tu rốt cuộc đều thấy rõ được vấn đề như vậy không hề khác.
Vượt qua ngũ Triền cái chính là bước đầu vượt qua chính bản chất chúng sinh, đến dần dần chiến thắng từng phần Vô minh .Vô minh chỉ tồn tại trong đời sống chúng sanh, Giác ngộ triệt để thì vắng bóng Vô minh và chúng ta không còn là chúng sinh nữa, tất nhiên để đạt được điều này với chúng ta thì còn là một quãng thời gian lâu xa chưa tính đếm được, nhưng chúng ta hãy tin vào lời Phật thuyết rằng ai cũng có tiềm năng giác ngộ trong tâm và đều có khả năng tu tập thành tựu trong tương lai.
……………………….
Bài viết được tổng hợp và lấy ra từ rất nhiều nguồn , nhưng nó chỉ là một phần kiến thức rất nhỏ chưa nói được hết về Vô Minh đã được đề cập trong rừng kinh điển của Phật pháp, nó chỉ là đóng góp thêm một ít tư liệu cho những ai đang tìm hiểu về vấn đề này.
MINH THIÊN