Đời Minh, Sa-môn Thích Đức Thanh ở chùa Hải Ấn, núi Na-la-diên soạn thuật.[1]
Việt dịch: Quảng Minh
Xét tựa đề kinh này: Vì sao gọi là Bát-nhã? Đó là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Trí tuệ. Vì sao gọi là Ba-la-mật-đa? Cũng là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là ‘đáo bỉ ngạn’ (: đến bờ bên kia), nghĩa là, khổ thú trong sanh tử, giống như biển cả, mà chúng sanh nơi ấy, tình ái và tư tưởng thì không có giới hạn, vô minh bất giác[2], tâm ý phóng túng rong ruỗi, sanh khởi mê hoặc, tạo tác hành nghiệp, lưu chuyển trong [biển] sanh tử, quả khổ không dứt, không thể vượt qua, cho nên nói là ‘bờ bên này’ (: thừ ngạn). Chỉ có đức Phật đem ánh sáng ‘đại trí tuệ’ chiếu phá tình trần[3], đoạn dứt phiền não, các khổ đều hết, hai chết[4] mất hẳn, vượt thoát biển khổ, chứng lên Niết-bàn, cho nên nói là ‘bờ bên kia’ (: bỉ ngạn).
Cái gọi là Tâm, chính là cái Tâm của Đại trí tuệ đến bờ bên kia, chẳng phải cái tâm khối thịt[5] hay cái tâm vọng tưởng[6] của người đời. Do người đời không biết mình vốn có cái Tâm của Ánh sáng trí tuệ, nên chỉ nhận bóng dáng của vọng tưởng phan duyên, rồi nương tựa cái tâm khối máu thịt ấy làm chân tâm. Sở dĩ chấp cái thân thể máu thịt làm sự hiện hữu của ngã, là để nương nơi đó mà tạo tác các thứ ác nghiệp. Ý niệm rong ruổi, chưa từng có một khoảnh khắc ‘hồi quang phản chiếu’[7] để tự giác về Tâm. Ngày tháng chồng chất, từ sanh đến chết, từ chết đến sanh, toàn là nghiệp chướng, đều là đau khổ, làm sao vượt thoát? Chỉ có đức Phật của chúng ta và các bậc Thánh có thể tự mình giác ngộ ‘bản chân’[8], lấy trí tuệ chiếu phá thân tâm năm uần[9], [rằng là] xưa nay chẳng có, đương thể toàn Không[10], bước lên ngay ‘bờ bên kia’, vượt qua ngay ‘biển khổ’. Vì thương xót những kẻ mê, đức Phật và các bậc Thánh đem pháp môn ‘tự chứng’ để chỉ dạy cho họ, muốn mọi người đều tự chứng ngộ [rằng], trí tuệ là bản hữu[11], vọng tưởng toàn hư dối, thân tâm đều trống không, thế giới như huyễn ảo, không làm các điều ác, rời xa đường sanh tử. Vì muốn chúng sanh ra khỏi biển khổ, đạt đến cái vui Niết-bàn mà đức Phật nói kinh này. Kinh là lời dạy của Thánh nhân, là ‘thường pháp’[12] [của chư Phật] từ xưa tới nay vậy.
Bồ-tát Quán Tự Tại khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt mọi khổ ách.
Quán Tự Tại bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空, 度一切苦厄.
Bồ-tát, là người (: nhân) – chủ thể tu hành.
Bát-nhã [ba-la-mật-đa] sâu xa, là pháp – đối tượng tu hành.
Soi thấy năm uẩn đều Không, là phương pháp tu hành.
Vượt mọi khổ ách, là hiệu quả thật sự của sự tu hành.
Vị Bồ-tát này nghe được pháp Bát-nhã sâu xa từ đức Phật, rồi tư duy mà thực hành, lấy trí tuệ quán chiếu, soi thấy năm uẩn trong ngoài là một khối trống không; thân tâm và thế giới [của thân tâm] rõ ràng không có vật gì; bỗng nhiên siêu việt thế gian và xuất thế gian, vĩnh viễn rời xa các khổ ách, đạt được sự tự tại lớn lao. Do sự quán sát ấy, Bồ-tát nương đây mà độ thoát, và biết rằng mọi người đều có thể nương đây mà tu hành vậy. Thế nên, đức Thế Tôn đặc biệt chỉ dạy tôn giả [Xá-lợi-phất] về diệu hạnh của sự ‘quán xét âm thanh’ để thấu hiểu mọi người. Chúng ta nếu có thể thực hành được pháp quán chiếu như thế, thì một niệm đốn ngộ tự tâm mà vốn sẵn có ánh sáng trí tuệ. Sự linh thông[13] quảng đại của trí tuệ ấy có thể soi thấu ‘năm uẩn toàn Không’, ‘bốn đại chẳng có’, thì có khổ đau gì không vượt qua được? Lại nữa, nghiệp lụy[14] vây kéo, tranh cãi ‘nhân ngã phải trái’, so đo ‘cùng thông được mất’, vấn vít ‘giàu sang nghèo hèn’, thì tâm ta như thế nào? Trên đây chính là hiệu quả thật sự của việc Bồ-tát học Bát-nhã vậy. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Soi thấy là trí năng quán. Năm uẩn là cảnh sở quán. Đều Không là hiệu quả thật sự [của sự quán chiếu].
Xá-lợi tử
Xá-lợi tử
舍利子.
Đây là tên một đệ tử của Phật. Xá-lợi là tiếng Phạn, Trung Hoa gọi là Thu[15]. Mắt con chim thu rất sáng long lanh. Cặp mắt của mẹ tôn giả giống như mắt chim thu, cho nên được đặt tên là Thu. Tôn giả chính là con của bà Thu, nên gọi là Xá-lợi tử (: Thu tử). Trong các đệ tử của Phật, tôn giả xếp vào hàng trí tuệ đệ nhất. Đối với pháp môn bát-nhã rất là sâu xa, nếu không phải là bậc đại trí tuệ thì không thể lãnh ngộ được, thế nên đức Phật đặc biệt dạy bảo cho tôn giả, cái gọi là ‘trao cho con đường của bậc trí’.
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識。亦復如是。
Đoạn này là đức Phật giảng giải cho tôn giả Thu tử về ý nghĩa ‘năm uẩn đều Không’. Trong năm uẩn, trước hết là nói về sắc uẩn. Sắc chính là thân tướng của con người. Bởi vì có thân này mà mọi người chấp nó làm sở hữu của mình. Đó là vọng tưởng bị ngưng kết thành khối cứng chắc, gọi là ‘căn bản của ngã chấp’ mà rất là khó phá hủy. Bước đầu nhập quán, trước quán chiếu thân này là bốn đại giả hợp, xưa nay chẳng có, đương thể toàn Không, trong ngoài rỗng suốt. Không bị khống chế bởi thân này, thì sự đến đi trong sanh tử rõ ràng không bị chướng ngại, gọi là ‘phá sắc uẩn’. Sắc uẩn mà phá được, thì có thể dần dần quán sâu bốn uẩn kia, bằng cách so sánh với sắc uẩn để suy rộng vậy.
Sắc chẳng khác Không: Câu này là phá thường kiến của phàm phu[16]. Do vì hàng phàm phu chỉ thừa nhận sắc thân, chấp làm chân thật, cho rằng thường hằng, thế nên khởi chấp [sự tồn tại] ngàn năm trăm kiếp, nhưng đâu biết thân này hư giả không thật, bị chuyển đổi bởi bốn tướng: sanh, lão, bệnh, tử, [chuyển đổi] không dừng trong từng ý niệm cho đến già chết, hoàn toàn vô thường, rốt cuộc trống không. Câu này cũng thuộc ‘cái Không của sanh diệt’, còn chưa tận cùng lý lẽ, bởi vì bốn đại huyễn sắc vốn không khác với Chân không vậy. Hàng phàm phu không biết điều đó, nên bảo rằng ‘sắc chẳng khác Không’, nghĩa là sắc thân vốn không khác với Chân không vậy.
Không chẳng khác sắc: Câu này là phá kiến chấp đoạn diệt của ngoại đạo và nhị thừa[17]. Do ngoại đạo tu hành mà không biết rằng thân từ nghiệp sanh, nghiệp từ tâm sanh, ba đời tuần hoàn, luân chuyển không dứt. Vì không thấu rõ lý nhân quả báo ứng trong ba đời, nên họ cho rằng, con người sau khi chết, thanh khí về trời, trược khí về đất, nhất linh chân tánh[18] trở về nơi thái hư[19]. Nếu nói như thế, thì hoàn toàn không có lý báo ứng: người làm thiện thì khổ nạn lao đao, người làm ác thì mưu toan đạt được. Đem bản tánh trở về thái hư, thì thiện ác không thành, lẽ nào chìm đắm? Có bất hạnh không?
Khổng Tử nói: “Du hồn là biến hóa, cho nên biết được tình trạng của quỷ thần.”[20] Ở đây ý nói, ‘chết mà không mất’, chính là lý lẽ rành rành của sự luân hồi báo ứng, thế nhưng người đời không suy xét kỹ, ngang ngạnh chấp đoạn diệt, thật là sai lầm vậy.
Hàng nhị thừa tuy y theo lời dạy của Phật để tu hành, nhưng không thông suốt ‘tam giới duy tâm’[21], ‘vạn pháp duy thức[22]’, không hiểu rõ ‘sanh tử như huyễn, như hóa’, muốn cho rằng ‘tướng của tam giới là thật có’, cho nên xem ‘ba cõi như lao ngục’, ngán ‘bốn sanh như gông cùm’, không khởi tâm niệm hóa độ chúng sanh, trầm không trệ tịch[23], đắm trong tịch diệt.
Vì hiểu những điều trên, nên nói, ‘Không chẳng khác sắc’, nghĩa là chân không vốn chẳng khác với huyễn sắc; là chẳng phải cái Không của sự đoạn diệt do tách rời sắc tướng, mà muốn hiển thị ‘bát-nhã là thật tướng, chân không’ vậy. Vì sao? Vì bát-nhã chân không thì như tấm gương tròn lớn (: đại viên cảnh), và tất cả huyễn sắc thì như hình ảnh trong gương. Nếu biết hình ảnh không rời gương, thì biết ‘Không chẳng khác sắc’ vậy.
Trên đây là phá cái Không của ‘ly sắc đoạn diệt’ của nhị thừa, và cái Không ‘hoát đạt’[24] của ngoại đạo. Lại sợ người đời đem hai chữ ‘sắc – không’ mà đàm luận thành hai khái niệm đối kháng, không thể xem xét một cách bình đẳng, nhất như[25], cho nên hòa hợp ‘sắc – không’ mà nói, ‘sắc tức là Không, Không tức là sắc.’
Với sự quán chiếu như thế, nếu biết ‘sắc chẳng khác Không’, thì không thanh sắc, hóa lợi[26] nào đáng tham cầu, cũng không có ngũ dục, trần lao[27] nào để luyến ái. Phép tắc ấy độ thoát ngay cái khổ của phàm phu vậy.
Nếu biết ‘Không chẳng khác sắc’, thì không khởi xuất diệt định[28] mà vẫn hiện hành các oai nghi, không lay động bản tế[29] mà vẫn làm các sự nghiệp độ sanh, trú ở nơi Không mà vạn hạnh tuôn trào, bước lên cõi Hữu mà nhất đạo[30] trong sáng. Phép tắc ấy vượt bỏ ngay cái chấp của ngoại đạo, nhị thừa vậy.
Nếu biết ‘sắc – Không là bình đẳng, nhất như’, thì ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩ khác đều là độ sanh, nhưng không thấy chúng sanh để hóa độ; tâm nguyện này nối tiếp tâm nguyện khác đều cầu thành Phật, nhưng không thấy quả Phật để mong cầu, đó gọi là ‘viên thành nhất tâm, không quán trí, không thủ đắc.’ Phép tắc ấy vượt qua Bồ-tát [địa] để chứng đắc ngay Phật địa ở ‘bờ bên kia’ vậy.
Ngay nơi một pháp ‘sắc uẩn’ này mà có thể tác quán như thế, thì bốn uẩn kia phải quán niệm một cách trọn vẹn, sáng tỏ. Đúng như ‘một căn đã về nguồn, sáu căn thành giải thoát’[31], cho nên nói rằng: ‘Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.’ Nếu thật như thế, thì đoạn ngay các khổ đau, đến được quả vị Phật. Bờ bên kia không xa, chỉ cần chúng ta ‘nhất niệm quán tâm’ sao cho thành tựu. Pháp quán chiếu như thế, há chẳng sâu xa sao?
Xá-lợi tử, tướng Không của các pháp ấy không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.
Xá-lợi tử, thị chư pháp Không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
舍利子。是諸法空相。不生不滅。不垢不淨。不增不減。
Ở đây lại sợ người đời nhận lầm pháp bát-nhã ‘thật tướng của chân không’ qua cái tâm sanh diệt, rồi khởi lý giải về ‘sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt’, cho nên tôn giả [Xá-lợi tử] được [Phật] bảo cho biết rằng, cái gọi là ‘thật tướng của chân không’ không phải là pháp ‘sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt’ vậy. Lại nữa, ‘sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt’ chính là pháp ‘tình kiến’[32] của chúng sanh, còn bản thể của ‘chân không, thật tướng, bát-nhã’ là thanh tịnh vắng lặng, giống như hư không. Đã là pháp ‘thoát khỏi tình trần’, há không cho là đúng sao? Cho nên chữ ‘không’ (: bất) là để phủ định ‘sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt’, nghĩa là ‘các pháp hay năm uẩn tức là thật tướng của chân không.’ Mỗi pháp đều tách rời những khái niệm đối kháng[33] như vậy.
Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không thủ đắc.
Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc.
Đoạn này giải thích thêm ‘lý do rời bỏ khái niệm đối kháng’[34] của tuệ giác bát-nhã, nghĩa là ‘lý do rời bỏ khái niệm đối kháng’ của tuệ giác bát-nhã về chân không. Bởi vì trong chân không thì trong sạch, không có vật gì, cho nên không có vết tích của năm uẩn. Không chỉ không có năm uẩn, cũng không có sáu căn. Không chỉ không có sáu căn, cũng không có sáu trần. Không chỉ không có sáu trần, cũng không có sáu thức. Đây là căn - trần - thức giới, chúng đều là pháp của phàm phu. Tuệ giác bát-nhã về chân không hoàn toàn tách rời căn - trần - thức giới ấy. Thế nên, tất cả đều là ‘không’ (: vô), tức là tách rời pháp của phàm phu vậy.
Trong tuệ giác bát-nhã, không chỉ không có pháp của phàm phu, cũng không có pháp của bậc Thánh. Bốn đế, Mười hai nhân duyên, Sáu độ, v.v… đều là pháp xuất thế của bậc Thánh Tam thừa. Bốn đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, chính là pháp của Thanh văn, bởi vì chán Khổ, đoạn Tập, ưa Diệt, tu Đạo. ‘Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử’, là Lưu chuyển môn của Mười hai nhân duyên, tức hai đế: Khổ và Tập. Sự diệt tận của Vô minh, cho đến sự diệt tận của Lão tử, là Hoàn diệt môn của Mười hai nhân duyên, tức hai đế: Diệt và Đạo. Đây là pháp sở quán của Duyên giác.
Trong bản thể của tuệ giác Bát-nhã, hoàn toàn không có những pháp ấy, dẫu đạt đến cực điểm mà vẫn trừ bỏ đó. Không chỉ không có pháp của Nhị thừa, cũng không có pháp của Bồ-tát. Vì sao? Trí, tức là quán trí, là trí tuệ trong Sáu độ, là tâm năng cầu. Đắc, tức là quả vị Phật, là cảnh sở cầu. Nhưng sự tu hành của Bồ-tát, lấy trí tuệ là đầu, thì sự ‘hạ hóa chúng sanh’ cũng là sự ‘thượng cầu Phật quả’. Bởi vì cảnh giới của Phật thì như hư không, không có chỗ nương tựa; nếu đem cái tâm ‘hữu sở đắc’ mà cầu quả vị Phật, thì là chẳng phải ‘chân thật’ vậy. Do vì bản thể chân không bát-nhã vốn không có sự thể ấy, cho nên nói rằng, ‘không quán trí và không thủ đắc’. ‘Không thủ đắc’ mới là chứng đắc ‘chân thật’, là có được sự cứu cánh vậy.
Vì không thủ đắc nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn.
以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。
Do quả vị Phật lấy ‘vô đắc’ mà có được, cho nên Bồ-tát tu hành phải y theo tuệ giác bát-nhã nà quán chiếu. Nhưng tất cả các pháp hoàn toàn không tịch[35], nếu y theo sự phân biệt ‘tình ái và tư tưởng’ mà quán chiếu [các pháp], thì tâm và cảnh trói buộc nhau, không thể giải thoát; đụng đâu cũng tham trước, cũng đều là chướng ngại. Nếu y theo chân trí bát-nhã mà quán chiếu [các pháp], thì tâm và cảnh đều là Không, xúc chạm các xứ đều thông suốt, hoàn toàn giải thoát, cho nên nói, ‘y theo bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại’. Do tâm không bị chướng ngại thì không có sự sanh tử đáng sợ hãi, cho nên nói, ‘không có khiếp sợ’. Đã không có sự sanh tử đáng sợ hãi, thì cũng không có quả Phật để mong cầu. Sợ hãi sanh tử, mong cầu Niết-bàn, đều là sự ‘điên đảo mộng tưởng’. Kinh Viên Giác có nói: “Sanh tử với Niết-bàn đều như giấc mộng.”[36] Nếu chẳng phải tuệ giác bát-nhã quán chiếu [các pháp] một cách trọn vẹn, thì chắc chắn không thể tách rời trạng thái ‘điên đảo mộng tưởng’ này. Đã không thể tách rời sự ‘điên đảo mộng tưởng’, thì chắc chắn không thể ‘được cứu cánh Niết-bàn’. Niết-bàn là Phạn ngữ, Trung Hoa dịch là ‘tịch diệt’, còn gọi là ‘viên tịch’, nghĩa là ‘viên trừ ngũ trụ, tịch diệt vĩnh an’[37], là cực quả quy thú của chư Phật vậy. Ý nghĩa ấy là, rời bỏ cái tình của Thánh phàm thì mới có thể chứng nhập Niết-bàn[38]. Bồ-tát tu hành mà xả bỏ Niết-bàn thì quyết chẳng phải chân tu.
Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng giác. Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ não, chân thật không hư dối.
Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cố tri bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Không chỉ Bồ-tát tu hành y theo tuệ giác bát-nhã, mà chư Phật trong ba đời cũng đều y theo tuệ giác bát-nhã để thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác, cho nên nói, ‘Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng giác.’ A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề[39] là Phạn ngữ. A, là ‘vô’. Nậu-đa-la, là ‘thượng’. Tam, là ‘chánh’. Miệu, là ‘đẳng’. Bồ-đề, là ‘giác’. Chính là tôn xưng quả vị Phật vậy. Do tuệ giác mà quán, nên biết đó là bát-nhã ba-la-mật-đa. Tuệ giác bát-nhã xua đuổi con quỷ ‘sanh tử phiền não’, nên nói là thần chú vĩ đại. Tuệ giác bát-nhã phá tan ngu tối của đêm dài sanh tử, nên nói là chú rất sáng chói. Trong các pháp thế gian và xuất thế gian, không có một pháp nào hơn tuệ giác bát-nhã, nên nói là chú vô thượng. Tuệ giác bát-nhã là ‘mẹ của chư Phật’, xuất sanh tất cả vô lượng công đức, mà thế gian và xuất thế gian không có vật gì sánh bằng, chỉ có tuệ giác bát-nhã đồng đẳng với tất cả[40], nên nói là chú không gì sánh bằng, Cái gọi là chú, đó là tuệ giác bát-nhã này đây. Nhưng đã gọi là bát-nhã, sao còn gọi là chú? Vì là ngôn ngữ cực đoan mà có hiệu quả thần tốc. Như mật lệnh trong quân đội mà mặc nhiên tuân hành, thì không gì không chiến thắng; tuệ giác bát-nhã có khả năng phá hủy ma quân ‘sanh tử’, chiến thắng như thế. Lại như vị cam lộ, người uống vào thì bất tử, và tuệ giác bát-nhã là pháp vị ‘cam lộ’ có thể đoạn trừ ngay cái họa lớn ‘sanh tử’, cho nên nói trừ được mọi khổ não. Nói chân thật không hư dối, là để biểu thị lời Phật dạy không hư dối, muốn người tin tưởng chắc chắn, không hoài nghi – yếu tố quyết định cho sự tu hành vậy.
Nên được gọi là chú Bát-nhã ba-la-mật, liền thuyết chú rằng. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết.
故說般若波羅蜜多咒。即說咒曰。
Do tuệ giác bát-nhã thật sự có công năng trừ đau khổ, được an vui, cho nên liền thuyết mật chú rằng, khiến người thuộc lòng và thọ trì, để có được hiệu quả mau chóng [của thần chú bát-nhã] vậy.
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
揭諦 揭諦 波羅揭諦 波羅僧揭諦 菩提薩婆訶。
Đây là Phạn ngữ. Đoạn văn ở trên là hiển thuyết bát-nhã; đoạn chú này là mật thuyết bát-nhã, không cần giải ý, chỉ nên tụng thầm. Hãy nắm giữ ‘công năng mau chóng’ của thần chú bát-nhã, đó là năng lực bất tư nghị của sự ‘bặt tình dứt hiểu’[41]. Lý do nắm giữ ‘công năng mau chóng’ của thần chú bát-nhã chính là mọi người vốn có ‘tâm quang’[42]. Chư Phật chứng ngộ ‘tâm quang’ ấy, lấy đó làm thần thông diệu dụng. Chúng sanh ngu mê ‘tâm quang’ ấy, lấy đó làm vọng tưởng trần lao. Chúng sanh ‘dùng đến hằng ngày’ (: nhật dụng) [tâm quang] mà không biết, tự làm mờ tối ‘bản chân’, tiếp nhận oan uổng thống khổ, không đáng thương sao? Nếu có thể đốn ngộ ‘bản hữu’, ngay nơi đó ‘hồi quang phản chiếu’, nhất niệm lặng tu, thì cửa ải luyến ái trong sanh tử bỗng nhiên bị phá hủy. Giống như phòng tối ngàn năm, một ngọn đèn có thể phá tan [đen tối], lẽ nào không cầu phương tiện ư? Chúng ta có chí nguyện ra khỏi sanh tử, nếu bỏ tuệ giác bát-nhã thì nhất định không có thuyền bè vậy. Trong biển khổ mênh mông, bát-nhã là thuyền bè; trong đêm dài mù mịt, bát-nhã là đèn đuốc. Ngày nay kẻ phàm phu rong ruổi đường hiểm, lênh đênh biển khổ, cam lòng không cầu tuệ giác bát-nhã, tôi không biết người ấy đi về đâu? Tuy nhiên, tuệ giác bát-nhã như cây kiếm Tiêu luyện[43], đụng vật gì liền đứt, vật đứt mà không tự biết; chẳng phải bậc thần thánh thì không thể sử dụng nó, huống là kẻ phàm phu nhỏ bé ư?
Tâm Kinh Trực Thuyết (hết)
Lời Bạt
Tâm Kinh Trực Thuyết
No. 542-A
Kinh Viên Giác có ghi: “Trí tuệ với ngu si toàn là bát-nhã.”[44], và nói: “Giới, định, tuệ với dâm, nộ, si đều là Phạm hạnh.”[45] Nghĩa lý sâu kín, mục đích trọng yếu của tu-đa-la là chỉ dạy người tất cả pháp của phàm Thánh, để xác định chánh vị.
Tu-đa-la chỉ ra con đường cho sự chứng ngộ, không thể là ngôn ngữ cho những tâm thức thô thiển. Thật bất ngờ, kẻ cuồng thiền bác bỏ không có [gì cả], còn mượn cớ thối thác sự thật, để lại tiếng xấu cho tông môn. Ngày nay xét tìm kỹ ngọn nguồn thì đều do những kẻ hâm mộ hão không phát tâm vì sự sanh tử, mà lấy đại đạo làm chỗ dựa cho danh tiếng, lấy danh tiếng làm chỗ dựa cho lợi dưỡng. Họ giữ tâm hành ấy thì không tốt cho sự lãnh hội lời dạy hướng thượng của cổ nhân. Họ nói xằng rằng, ‘không phàm không Thánh, không xưa không nay’, [để rồi] sáng vất bỏ hàng rào [giới luật], tối chăm sóc thói tình [lục dục], không biết gì cả nên phàm Thánh bỏ hết, xưa nay đánh đồng. Một cái chấp trước này cắt đứt ‘đại tổng trì’[46], thì ai làm thừa đương[47], ai làm chuyển biến [tâm thức], để hiểu chính xác cái dụng của tuệ giác sâu xa, khó nghĩ bàn.
Cái gọi là ‘lấy một ít phương tiện để mau chứng bồ-đề’. Từ hàng Thanh văn, Duyên giác, cho đến hàng Bồ-tát, [muốn đi đến] Phật địa đều không thể quên mất công năng của bát-nhã. Trong Đại Tuệ [Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục] có nói: “Lửa đá nháng, ánh điện chớp dẫn được vô hạn người.”[48] Ngộ rồi đi, truyền rồi đi, có mấy ai biết rằng, [Thiền sư] Viên Ngộ vì chuyện đó mà le lưỡi, nói: ‘Chỉ cần khế chứng; nếu không khế chứng nhất định không thả cho qua.’[49] Quán xét ở đây, theo Viên Ngộ cái gọi là ‘khế chứng’, là chứng những sự gì ư? [Đại sư] Vĩnh Gia nói: “Tánh thật vô minh là Phật tánh, Thân giả huyễn hóa tức Pháp thân.”[50]
Người lãnh hội nói: Căn bản vô minh của chúng sanh tức là bất động trí của chư Phật.
Còn hỏi vặn: Gì là bất động trí?
Đáp: Dâm, nộ, si.
Hỏi: Gì là căn bản vô minh?
Đáp: Không biết dâm, nộ, si.
Người xét hỏi như thế thì có thể biết dâm, nộ, si; chẳng thể nói rằng ‘chẳng phải bát-nhã’. Nếu bị cảnh duyên thôi thúc, thì cùng với sự ‘không biết’ đồng nhất, lưu truyền liền không đúng. Thích nghi [cảnh] mà bó buộc, tùy thuận [cảnh] mà chống đối, mỗi người tự biết. Thế mới biết, lý không phải là sự, ngộ không phải chứng. Tập hợp ‘đoạn đức’ để thành trí tuệ, nêu lên một bát-nhã mà gồm đủ ba đức[51]. Há không phải lời nói đủ về ‘càn tuệ’[52] sao?
Thị Quy, tự Thê Hiền, hầu hạ Thầy tôi, được phụng đọc Tâm Kinh Trực Thuyết, bộ sách đáng gọi là ‘thâm cứu thiền bệnh’. Nhân [Thầy ấy] xin được lưu thông [Tâm Kinh Trực Thuyết] để dạy hậu học, tôi vâng mệnh viết lời bạt. Tôi cẩn thận thuật lại chỗ kiến văn muốn nói, mong sao chúng ta cùng chung trạch pháp, tất nhiên chúng ta không tự biết sự nông cạn, dốt nát của mình.
Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Trực Thuyết 般若波羅蜜多心經直說, gọi tắt là Tâm Kinh Trực Thuyết, nằm trong Vạn tự Tục tạng kinh, tập 26, No. 542, 1 quyển, do Đại sư Hám Sơn - Thích Đức Thanh (1546-1623), đời Minh, soạn thuật vào năm 1587. Năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), thời vua Lê Thần Tông, tỳ-kheo ni Diệu Tuệ Thiện Thiện cho trùng ấn Tâm Kinh Trực Thuyết, và bản in này được lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, ký hiệu AC. 301.
Thiền sư Chuyết Chuyết có công lao truyền bá tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài của Đại Việt. Từ Trung Hoa, Sư cùng các đệ tử đi thuyền xuống miền Nam, đến Cao Miên, vào Chiêm Thành, sang Đại Việt. Từ Đàng Trong, sư tiếp tục du hành ra Đàng Ngoài, hoằng hóa ở chùa Thiên Tượng ở Nghệ An, rồi chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa khoảng vài tháng rồi đi tiếp. Vào năm 1633, sư cùng các đệ tử đến được kinh thành Thăng Long hóa đạo, trú ở chùa Khán Sơn giảng dạy Phật pháp. Thời gian sau, thiền sư Chuyết Chuyết dời về chùa cổ Phật Tích, trước kia do nhà Lý xây dựng, ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Để xiển dương tông Lâm Tế, và thể theo yêu cầu của chúa Trịnh Tráng, thiền sư Chuyết Chuyết đã cử đệ tử Minh Huyễn (và Minh Hành sau này) trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích. Một số kinh đã được khắc ván trong thời ấy để ấn loát và phổ biến. Bản khắc đều được tàng trữ tại chùa Phật Tích.
Khi tới chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp) một ngôi chùa có lịch sử lâu đời, địa thế đẹp và cũng là nơi thiền sư Huyền Quang vị tổ sư thứ ba của thiền phái Trúc Lâm từng tu hành nhưng đang trong cảnh hoang tàn, thiền sư Chuyết Chuyết đã có nguyện vọng trùng tu ngôi chùa ấy. Năm 1642, được sự trợ giúp của chúa Trịnh Tráng và các vị hoàng tộc, thiền sư Chuyết Chuyết đứng ra xây dựng chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp). Tuy nhiên, hai năm sau, năm Phúc Thái thứ 2 (1644), thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch, việc trùng tu xây dựng được giao lại cho thiền sư Minh Hành. Hầu hết các công trình đồ sộ, các mảng điêu khắc gỗ đá cầu kỳ, những bức tượng quý của chùa Bút Tháp đều do thiền sư Minh Hành chỉ đạo thực hiện. Năm 1647 chùa Bút Tháp xây dựng hoàn thành cơ bản diện mạo như ngày nay (trong đó toà Cửu Phẩm Liên Hoa mãi đến năm 1739 mới xây dựng). Tại chùa Bút Tháp, thiền sư Minh Hành thu nhận đệ tử là Chân Trụ, Chân Trí, Chân Nguyên, Chân Lượng, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (tức tỳ kheo ni Diệu Tuệ), Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (pháp danh Pháp Tịnh) … Năm 1654, tỳ kheo ni Diệu Tuệ mộ duyên trùng ấn Tâm Kinh Trực Thuyết, một trong số kinh do thiền sư Minh Hành thỉnh từ Trung Hoa.
Năm 1659, thiền sư Minh Hành viên tịch. Năm 1660, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho xây dựng tháp Tôn Đức để đặt xá lợi và tôn thờ thiền sư Minh Hành. Tháng 3 năm 2009, khi tiến hành tu sửa ngọn tháp Tôn Đức, đã phát hiện ra hai cuốn kinh bằng đồng an trí trong tháp, trong đó, cuốn một gồm thần chú Lăng Nghiêm, chú Đại bi, Thập chú, Bát-nhã Tâm kinh, và cuốn hai là kinh Kim Cương. Người mộ duyên trùng san cho hai cuốn kinh này cũng là tỳ kheo ni Diệu Tuệ.
Ngày Phật Thành Đạo, PL 2562
13/1/2019
Quảng Minh
Thư Viện Hoa Sen
________________________________________
[1] Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Trực Thuyết nằm trong Vạn tự Tục tạng kinh, tập 26, No. 542, 1 quyển, do Đại sư Hám Sơn soạn thuật vào năm 1587. Năm 1654, tỳ kheo ni Diệu Tuệ mộ duyên trùng ấn Tâm Kinh Trực Thuyết theo lời dạy của thiền sư Minh Hành. Hiện tại bản in này được lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, ký hiệu AC. 301.
Hám Sơn (憨山, 1546-1623), pháp danh Đức Thanh, hiệu Trừng Ấn, là Đại sư Phật giáo trong Thiền Tông và Tịnh Độ tông. Ông được mệnh danh là một trong 4 vị Thánh tăng đời nhà Minh (ba vị còn lại là Tử Bá hiệu Đạt Quán, Liên Trì và Ngẫu Ích). Lúc nhỏ vào Giang Ninh (nay là Nam Kinh, Giang Tô) đến chùa Báo Ân, 19 tuổi thọ giới Tỳ Kheo, theo học với pháp sư Vô Cực, lại theo Vân Cốc tham thiền khổ tu. Về sau Đại sư chu du khắp nơi, được Hoàng thái hậu ban cho Đại tạng kinh và bố kim, lại xây chùa Hải Ấn cho Đại sư trụ trì. Đại sư đề xướng chỉ đạo hợp nhất đạo Thiền Tông và Hoa Nghiêm Tông, Thích - Đạo - Nho cùng một thể. Đại Sư giỏi về làm thơ, viết chữ theo lối hành thư và thảo thư, từng chích máu viết Kinh Hoa Nghiêm. Tác phẩm lưu truyền của Đại sư gồm có Hoài Tịnh Độ Thi Thiếp (viết theo lối hành thư), Kim Cương Quyết Nghi, Lăng Nghiêm Thông Nghĩa, Pháp Hoa Phẩm Tiết, Viên Giác Kinh Trực Giải, v.v… Đại sư Hám Sơn có rất nhiều đệ tử, là một vị cao tăng có sức ảnh hưởng rất lớn vào cuối đời nhà Minh. Đại sư thích về thi văn, từng soạn viết cho mọi người một số lượng lớn văn bia, câu đối, lời tựa, lời bạt, v.v… đồng thời là người đứng ra chấn hưng tổ đình Thiền tông, được tôn là Tổ sư trung hưng Tào Khê. Sau khi nhập diệt, sư đã để lại nhục thân không bị hư thối. Nhục thân của sư được đặt tại Tào Khê cùng với nhục thân của thiền sư Huệ Năng và thiền sư Đan Điền hiện nay thuộc chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
[2] Khởi tín luận: “Nói tâm thể phát khởi, nhưng thật ra không có khởi điểm. Nói khởi điểm thì chính là sự không còn phân biệt. Do vậy mà chúng sanh không được gọi là tuệ giác, vì lẽ xưa nay chúng sanh phân biệt liên tục, chưa hề tách rời phân biệt, và được gọi đó là sự bất giác có từ vô thỉ. Nếu thực hiện được sự tách rời phân biệt thì giác ngộ trạng thái phát sanh, tồn tại, dị biệt và hủy diệt (: sanh, trụ, dị, diệt) của tâm tướng, vì sự tách rời phân biệt thì đồng đẳng. Nên thật ra không có cái tuệ giác mới có nào khác, vì nó có cùng lúc và không độc lập với bốn trạng thái, trước sau đều là tuệ giác đồng nhất.” (H.T Thích Trí Quang dịch)
[3] Tình trần 情塵: Là sáu căn và sáu trần.
[4] Nhị tử 二死: Chỉ cho phần đoạn sinh tử và bất tư nghị biến dịch sinh tử. (1) Phần đoạn sanh tử là sự sanh tử của hàng phàm phu còn kiến tư hoặc trong tam giới. Phàm phu chiêu cảm quả báo do những nghiệp bất thiện trong tam giới lục đạo kết hợp thành thân và thân có từng phần, từng đoạn, khi chết cũng chết từng phần từng đoạn, thọ nghiệp chiêu báo về sau cũng từng phần từng đoạn. (2) Bất tư nghị biến dịch sanh tử là sự sanh tử vi diệu không thể nghĩ bàn. Đây là sự sanh tử của những bậc đã dứt kiến tư hoặc trong tam giới và đã xuất ly tam giới. Đây là sự thay đổi quả vị của những vị chứng từ A La hán trở lên. Họ dứt một phần mê mờ (vô minh) chứng lên quả vị cao hơn và dứt thêm một phần mê mờ nữa, bỏ quả vị đó, chứng lên quả vị cao hơn, cứ như thế cho đến lúc chứng đắc quả Phật cứu cánh. Sự thay đổi quả vị đó gọi là Bất tư nghị biến dịch sanh tử. Dến quả vị Phật thì hai món sanh tử trên không còn.
[5] Nhục đoàn tâm 肉團心 (tâm khối thịt): là cái tim của người vật, là cái lõi của cây cỏ.
[6] Vọng tưởng tâm 妄想心 = Duyên lự tâm 緣慮心 (tâm tri thức): chỉ cho 6 thức trước hay ý thức. Vọng tưởng tức hư vọng phân biệt: biết và sống theo những phạm trù kiến chấp.
[7] Hồi quang phản chiếu 回光返照 (quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình): Tự chiếu soi lại tâm tính. Lâm tế lục (Đại 47, 502 thượng), ghi: “Ngay nơi lời nói, ông tự hồi quang phản chiếu, không tìm cầu gì khác, thì biết được thân tâm mình không khác gì với Phật tổ.” Thạch đầu thảo am ca trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 30 (Đại 51, 461 hạ), nói: “Ở am này, thôi giảng giải. Ai khoe hàng quán mua người vẽ? Hồi quang phản chiếu liền biết đường về. Rỗng suốt tính linh chẳng hướng ngoại.”
[8] Bản chân 本真 (chân thật vốn có): bản nguyên, chân tướng, bản tánh, bản lai diện mục. Trong Quán tâm minh 觀心銘, Đại sư Hám Sơn có ghi: Hễ là có tướng, chẳng phải bản chân. (Đản phàm hữu tướng, bất thị bản chân. 但凡有相, 不是本真.)
[9] Năm uẩn bao gồm thân tâm và thế giới của thân tâm.
[10] Quán chiếu các pháp đều như huyễn, như hóa, như hoa đốm hư không, như trăng trong nước, nhìn thấy là tự có, kỳ thật căn bản không có tự tánh, nên nói là ‘đương thể toàn Không’ (Hữu thể đang là hoàn toàn trống rỗng, không thật).
[11] Trí tuệ bản hữu (Trí tuệ vốn có sẵn): chỉ cho căn bản trí (: căn bản của trí vô phân biệt) hay trí tuệ bát-nhã. Người tu phải tu sửa và giữ gìn như thế nào cho trí tuệ bản hữu được phát hiện và phát huy tròn đầy.
[12] Thường pháp (pháp thường tồn, vĩnh hằng): Chỉ cho chân lý. Trường A Hàm: “Như thường pháp của chư Phật, Ngài nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế.”
[13] Linh thông 靈通: (1) Sự cảm ứng tương thông giữa người với thần linh; (2) Lung linh, hoạt bát, cơ mẫn, lanh lợi, linh hoạt.
[14] Nghiệp lụy 業累: Nghiệp chướng, nghĩa là ác nghiệp do ba nghiệp thân, miệng và ý của chúng sanh tạo ra có thể gây chướng ngại chánh đạo.
[15] Thu 鶖 (: Xá-lợi, Sàri): Chim Thu hay Thu lộ, thuộc loài Hạc. Vì cặp mắt của mẹ Tôn giả giống như mắt chim Thu Lộ (鶖露鳥眼), vô cùng xinh đẹp, cho nên được gọi là Thu lộ chi tử 鶖露之子 (con của Thu Lộ) hay Thu tử 鶖子.
[16] Phàm phu chấp sắc thân là thật, lầm lạc mong mỏi nó tồn tại thường hằng, mưu tính sao cho nó tồn tại trăm năm ngàn đời, chẳng biết thân này niệm niệm đổi dời, như lửa thành tro, dần dần tiêu mất, rốt cuộc thành không.
[17] Một mực chấp không, tức là rơi vào kiếp chấp đoạn diệt của ngoại đạo và nhị thừa.
[18] Nhất linh chân tánh 一靈真性: Bản tánh nguyên sơ thuần nhất linh hoạt, linh hồn.
[19] Thái hư 太虛: vũ trụ, hư không bao la.
[20] Kinh Dịch: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến. Thị cố tri quỷ thần chi tình trạng.” (精氣為物, 遊魂為變. 是故知鬼神之情狀) Tinh và khí, nếu mà hợp nhau thời tạo nên muôn vật. Còn nếu hồn phách lìa nhau, thời vạn vật cũng tan biến. Khi lìa nhau, hồn khinh thanh sẽ bay lên; phách trọng trọc sẽ lắng xuống, còn xác sẽ tan rã ra. Như vậy, quỷ thần chỉ là những động lực tạo thành vạn vật. Gọi là Thần, khi sinh khí lồng vào vạn vật . Gọi là Quỷ, khi sinh khí lìa khỏi vạn vật.
[21] Duy tâm: Kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán (No. 0159), tr. 327a21-29: “Thiện nam tử! Tam giới lấy tâm làm chủ. Người quán được tâm thì hoàn toàn giải thoát; người không quán được tâm thì vĩnh viễn trầm luân. Tâm chúng sinh giống như đại địa; năm thú và năm quả từ đại địa sinh ra. Như vậy tâm pháp sinh ra thiện ác của xuất thế gian và thế gian, năm thú, hữu học, vô học, Độc giác, Bồ-tát, cho đến đức Như Lai. Bởi nhân duyên ấy, ba cõi duy tâm, tâm được gọi là địa. Hết thảy phàm phu, thiện hữu thân cận nghe pháp tâm địa, quán sát đúng lý, tu hành theo lời dạy, mình làm, dạy người, khen ngợi, khuyên gắng, lợi mừng, những người như thế sẽ dứt được ba chướng, mau trọn muôn hạnh và chóng được quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Kinh Hoa Nghiêm (No. 0279), phẩm Ly thế gian, tr. 288c05: “Đại Bồ-tát biết tam giới duy tâm, tam thế duy tâm, mà biết rõ tâm đó vô lượng vô biên. Đây là vô đẳng trụ thứ tám.” Kinh Đại thừa nhập Lăng-già (No. 0672), tr.599c07: “Đại Huệ! Thế nào là quán sát sự biểu hiện của tự tâm? Là quán tam giới chỉ là tự tâm, rời ngã, ngã sở, không có hành động tạo tác, không có đến đi, do những chấp trước từ vô thủy huân tập mà thành.” Kinh Hoa Nghiêm, 60 quyển (No. 278), phẩm Thập Địa, tr. 558c09: “Các Bồ-tát ma-ha-tát lại khởi ý niệm: Ba cõi hư vọng, chỉ là do tâm tạo tác; mười hai duyên phần là đều dựa vào tâm.” Kinh Hoa Nghiêm, 80 quyển (No. 279), phẩm Thập Địa, tr. 194a14: “Các Bồ-tát ma-ha-tát này lại khởi ý niệm: Những gì thuộc về ba cõi chỉ là nhất tâm; Như Lai nơi đây phân biệt diễn thuyết mười hai hữu chi mà đều dựa vào nhất tâm như vậy mà thành lập.”
[22] Duy thức: Thành duy thức luận (tr. 48a01): “Thử chư pháp thắng nghĩa, diệc tức thị chân như, thường như kỳ tánh cố, tức duy thức thật tánh.” (此諸法勝義, 亦即是眞如,常如其性故, 即唯識實性) Chân lý tuyệt đối của các pháp, đó là tánh như như. Vì trong tất cả thời gian, nó tồn tại như là chính nó. Và chính nó cũng là duy thức tánh.
[23] Trầm không trệ tịch 沈空滯寂: Nghiệp thức vọng tâm chấp có tướng các pháp, rồi huân trở lại vô minh căn bản, mỗi niệm chẳng quên, làm cho bậc tam thừa chịu cái khổ biến dịch sanh tử ngoài ba cõi. Ấy là sự trầm không trệ tịch, bảo thủ vào cảnh giới chân không Niết bàn.
[24] Hoát đạt không 豁達空: Bài bác ‘chẳng có nhân quả’, thì rơi vào cái Không rỗng tuếch, dấy lên kiến giải đoạn diệt, tà vạy, bất chánh. Chứng đạo ca: Hoát đạt không, bát nhân quả, Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa. (豁達空撥因果, 莽莽蕩蕩招殃禍. Không rỗng tuếch, bác nhân quả, Bao la lồng lộng mời ương họa.)
[25] Nhất như 一如: không hai là nhất; không khác là như.
[26] Hóa lợi 貨利 = tích hóa trục lợi 積貨逐利 trữ hàng hóa để kiếm lời.
[27] Trần lao 塵勞: Trần lao là tên gọi khác của phiền não, tức phiền não của ngũ dục (五欲, gồm sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục) và Lục Trần (六塵, gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp).
[28] Diệt định: Gọi tắt của Diệt tận định 滅盡定
[29] Bản tế 本際: Pāli: purimā koṭi, biên tế tối sơ, giới hạn nguyên thủy hay tiên khởi của thời gian. Còn gọi là chân tế 真際, chân như 真如, thật tế. 實際. Kinh Viên Giác: Đồng nhất với bản thể phổ biến vũ trụ. (平等本際, 圓滿十方. Bình đẳng bản tế, viên mãn thập phương.) Kinh Thắng man: Sinh tử y trên Như Lai tạng. và do Như Lai tạng mà nói rằng không thể biết được bản tế. (生死者依如來藏, 以如來藏故, 說本際不可知. Sanh tử giả y như lai tạng, dĩ như lai tạng cố, thuyết bản tế bất khả tri.)
[30] Nhất đạo 一道: Đồng nghĩa: Nhất thừa 一乘. Con đường duy nhất dẫn tới quả Phật. Phẩm Minh nan trong kinh Hoa nghiêm (60 quyển), quyển 5 (Đại 9, 429 trung) nói: “Tất cả bậc vô ngại, chỉ có một con đường ra khỏi sinh tử.” Đại nhật kinh sớ quyển 17 (Đại 39, 758 trung) nói: “Nhất đạo chính là con đường nhờ đó mà tất cả bậc vô ngại vượt thoát sinh tử, thẳng đến đạo tràng.”
[31] Kinh Lăng nghiêm, quyển 6: Nhất căn ký phản nguyên, lục căn thành giải thoát. (一根既返源, 六根成解脱.)
[32] Tình kiến 情見: Cái thấy của vọng tưởng, cảm tính; không phải chánh tri, chánh kiến.
[33] Chánh văn là ly thử chư quá 離此諸過 (rời các lầm lỗi này). Lầm lỗi ở đây là chúng ta luôn nhìn các pháp qua khái niệm nhị nguyên, đối kháng, đối đãi, cho nên không thấy được thật tướng của các pháp.
[34] Chánh văn là sở dĩ ly quá 所以離過.
[35] Không tịch 空寂: Không các tướng là ‘Không’. Không khởi diệt là ‘tịch’. Rỗng rang xa lìa tất cả tướng, không tâm niệm khởi diệt gọi là hạnh ‘không tịch’. Cảnh giới không có bất cứ tướng trạng nào, không có sanh ra và mất đi, không có sai biệt đối lập, vượt thoát thời gian không gian, vô lậu và vô vi. Đây là nhận thức hoặc thể nghiệm về chân tướng sự vật của người giác ngộ.
[36] Kinh Viên Giác, chương Phổ Nhãn: “Thấy chúng sinh vốn là Phật đà, sinh tử với niết bàn đều như giấc mộng. Vì đều như giấc mộng nên đối với sinh tử và niết bàn thì thấy không nổi không tan, không đến không đi; đối với chân lý sở chứng thì thấy không được không mất, không lấy không bỏ.” (H.T Thích Trí Quang dịch)
[37] Viên trừ ngũ trụ, tịch diệt vĩnh an. 圓除五住, 寂滅永安. Ngũ trụ địa hoặc 五住地惑: Cũng gọi Ngũ trụ địa phiền não. Chỉ cho 5 phiền não: Kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa và Vô minh trụ địa. Vì năm thứ phiền não này là chỗ nương tựa, chỗ cư trú của hết thảy phiền não và lại hay sinh ra các phiền não khác, cho nên gọi là Trụ địa. Đại thừa nghĩa chương, quyển 5, phần đầu, giải thích về Ngũ trụ địa hoặc như sau: (1) Kiến nhất xứ trụ địa: Kiến hoặc trong ba cõi như thân kiến, v.v..., lúc vào giai vị Kiến đạo thì cùng dứt hết một lượt. (2) Dục ái trụ địa: Trong các phiền não ở cõi Dục, ngoại trừ Kiến và Vô minh, còn tất cả phiền não đều do đắm trước cảnh năm dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc mà sinh. (3) Sắc ái trụ địa: Trong các phiền não ở cõi Sắc, ngoại trừ Kiến và Vô minh, còn tất cả phiền não đều do tham đắm sắc thân của chính mình mà sinh. (4) Hữu ái trụ địa: Trong các phiền não ở cõi Vô sắc, ngoại trừ Kiến và Vô minh, những phiền não còn lại đều do thương yêu đắm đuối thân mình mà sinh. (5) Vô minh trụ địa: Tất cả vô minh trong ba cõi. Vô minh là tâm mê ám, thể của nó tối tăm, là cội gốc của hết thảy phiền não. Trong năm trụ địa hoặc trên đây, tông Duy thức cho rằng bốn trụ địa trước là hạt giống của phiền não chướng, còn trụ địa sau cùng là hạt giống của sở tri chướng. Tông Thiên thai thì cho Kiến nhất xứ trụ địa là Kiến hoặc, trụ địa thứ 2, 3, 4 là Tư hoặc của ba cõi, gọi chung là Hoặc kiến tư của giới nội. Hàng Nhị thừa dứt hết bốn trụ địa này thì ra khỏi ba cõi. Còn Vô minh trụ địa là Hoặc của giới ngoại (ngoài ba cõi). Căn cứ vào trụ địa này mà lập ra 42 phẩm tu hành khác nhau, qua 42 phẩm vị này thì dứt hết Vô minh, lìa hai thứ sinh tử (phần đoạn và biến dịch), chứng được đại Niết bàn. [X. kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.hạ; luận Thành duy thức Q.8; Thành duy thức luận thuật kí Q.9, phần cuối; Thắng man kinh thuật kí Q.hạ; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5, phần đầu; Pháp hoa văn cú kí Q.2, phần cuối; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.hạ; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.2, phần cuối]. [Tự điển Phật Quang]
[38] Đây là cứu cánh Niết-bàn, là đại Niết-bàn, là vô trú Niết-bàn. Niết bàn vô trú là chuyển y của bồ tát. Niết bàn vô trú xứ là bỏ tạp nhiễm mà không bỏ sinh tử, nên không trú nơi sinh tử mà cũng không trú nơi niết bàn. Bồ tát chứng đắc cái trí bình đẳng nên chứng được sinh tử tức niết bàn. “Do vậy, đối với sinh tử không phải xả bỏ không phải không xả bỏ, cũng tức là đối với niết bàn không phải chứng đắc không phải không chứng đắc.” Bồ tát chuyển y bằng 6 trạng thái: “Một là chuyển bằng sự bớt sức mạnh thêm khả năng, là do thắng giải lực sống trong đa văn huân tập, lại do có sự hổ thẹn, nên làm cho phiền não chỉ hiện hành một phần ít, còn một phần không hiện hành. Hai là chuyển bằng sự thông đạt, là các vị bồ tát đã nhập đại địa, (từ địa đầu tiên) đến địa thứ sáu, trước mắt chân thật thì hiển hiện, phi chân thật thì không hiển hiện. Ba là chuyển bằng sự tu tập, là (từ địa thứ bảy) đến địa thứ mười, còn có chướng ngại, hữu tướng không hiển hiện mà chân thật thì hiển hiện. Bốn là chuyển bằng sự viên mãn, là vĩnh viễn không còn chướng ngại, hữu tướng không hiển hiện, chân thật tối thanh tịnh thì hiển hiện, đã được tự tại đối với hữu tướng. Năm là chuyển một cách thấp kém, là các vị thanh văn chỉ thông đạt được nhân không vô ngã, một bề chống sinh tử, một bề bỏ sinh tử. Sáu là chuyển một cách rộng lớn, là các vị bồ tát thông đạt cả pháp không vô ngã, chính nơi sinh tử mà thấy là thanh tịnh, dẫu đoạn tạp nhiễm mà không bỏ sinh tử.” (Nhiếp đại thừa luận bản, H.T Thích Trí Quang dịch)
[39] A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề 阿耨多羅三藐三菩提: Phạn ngữ là anuttarā-saṃyak-saṃbodhi, có nghĩa là Giác ngộ chân chính cao tột. Anuttarā có nghĩa là ‘cao tột, không có gì vượt qua được’. Saṃyak có nghĩa là ‘chân chánh’. Saṃbodhi có nghĩa là ‘giác ngộ’. Hán dịch là Vô thượng chánh đẳng giác 無上正等覺, Vô thượng chánh chân đạo 無上正眞道, Vô thượng chánh biến trí 無上正遍智, 無上正徧智.
[40] Chú Tuyệt bậc mà đồng bậc: chú ấy vừa là tuyệt bậc vì bài chú khác không thể sánh bằng, vừa là đồng bậc vì bài chú ấy ai cũng có thể tu học.
[41] Vong tình tuyệt giải 忘情絕解: Quên bặt cái tình ý của 9 cảnh giới chúng sanh, dứt sạch sự hiểu biết về cảnh giới của Phật. Chín cảnh giới chúng sanh là: (1) Phàm: Địa ngục, Ngạ quỷ, Bành sanh, A-tu-la, Người và Trời; (2) Thánh: Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát.
[42] Tâm quang 心光: Tâm thức, tâm thể, tâm sáng. Nói đủ là tâm ý thức, trong đó tâm là a-lại-da, ý là mạt-na và thức là 6 thức. Sáu thức nhận biết đối cảnh, nhưng ý thức biết đó là nhận thức của mình, tức ý thức tự ngã mà từ đó năng sở hóa tâm vật hay tự tha hóa mình người, đó chính là mạt-na. Ý thức tự ngã còn hay mất mà thành ra nhiễm ô hay thanh tịnh. Căn bản của toàn bộ các thức là a-lại-da, nó làm nhân, làm quả cho các pháp và là tự ngã mà chúng sanh tự ý thức, chấp lấy (năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng). Năng thủ và sở thủ chỉ toàn là biểu hiện của tâm thức. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh, quyển 7, phẩm Giáo Thọ: “Ở đây, bồ tát thấy các nghĩa đều là tâm quang, chẳng phải ngoài tâm quang có cái thấy khác, bấy giờ bồ-tát diệt được sự tán loạn của sở chấp. Đây là cái thấy của bồ-tát ở nhẫn vị.”
[43] Tiêu luyện 宵練: Là một trong ba danh kiếm của Trung Quốc (Hàm quang 含光, Thừa ảnh 承影 và Tiêu luyện), Khổng Chu người nước Vệ (thế kỷ 11 TCN–209 TCN), thời Xuân Thu cất giữ; được đúc vào thời Ân Thương (1766 –1122 TCN); Kiếm Hàm quang, nhìn vào không thấy, vận dụng nó mà không cảm thấy nó ở trong tay mình; nó đụng vào vật gì thì không lưu lại dấu vết gì cả, nó đâm thủng ta, ta cũng không biết. Kiếm Thừa ảnh, vào lúc bình minh nửa mờ nửa tỏ hoặc hoàng hôn tranh sáng tranh tối, quay về phía bắc mà nhìn kỹ nó thì thấy mờ mờ mà không nhận ra được hình dáng nó ra sao. Nó đụng vào cái gì thì nghe có tiếng nhẹ, tan liền; nó đâm thủng ta, ta cũng không thấy đau gì cả. Kiếm Tiêu Luyện, ban ngày chỉ thấy cái bóng chứ không thấy ánh sáng của nó, ban đêm thấy ánh sáng mà không thấy hình dáng nó. Nó đụng vào cái gì, nghe soạt một cái, đâm lủng nhưng vết lủng khép lại liền, thấy đau mà không thấy vết máu.
[44] Kinh Viên Giác, chương Thanh Tịnh Tuệ, tr. 917b03: 智慧愚癡, 通為般若.
[45] Kinh Viên Giác, chương Thanh Tịnh Tuệ, tr. 917b05: 諸戒定慧, 及淫怒癡, 俱是梵行.
[46] Đại tổng trì là nắm giữ toàn thể các pháp với tầm mức lớn lao.
[47] Thừa đương 承當: Thừa thọ đảm đương, là tiếp nhận và lãnh hội được ý Phật, Tổ.
[48] Đại Tuệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục 大慧普覺禪師語録 (No. 1998A), quyển 18, tr. 887a27.
[49] Viên Ngộ thường nói với chúng: Gần đây thiền hội các nơi đều thành hang ổ. Dưới thiền hội núi Ngũ Tổ, ta với Phật Giám, Phật Nhãn, ba người cùng nhau tham thiền. Nay đã thấy xuất hiện nhiều yêu quái. Dưới thiền hội Phật Giám có một hạng người làm con chó sủa, bồ câu kêu, khiến thiên hạ cười. Dưới thiền hội Phật Nhãn cũng có một hạng người làm bộ vẻ nhìn đồn điền, cây cột, chỉ đông chỉ tây, giống như trước mắt thấy ma quỷ. Ở đây thì chẳng có hai thứ bệnh này.
Đại Tuệ nói: Lửa đá nháng, ánh điện chớp làm cho nhiều người đuổi theo nghiệp thức, thầy vừa đề ra thì trò ngay đó hiểu liền, há chẳng phải là lọt vào hang ổ lớn của Phật pháp ư!
Viên Ngộ bất giác le lưỡi, nói rằng: Chớ nên màng đến họ. Ở đây chỉ lấy chứng ngộ làm tiêu chuẩn. Nếu chẳng chứng ngộ ta nhất định chẳng thả cho qua.
Đại Tuệ nói: Chứng ngộ thì được. Nếu thầy vừa đề ra trò liền ngộ, cứ truyền nhau mãi, như thế lấy lửa đá nháng, ánh điện chớp là đúng, làm cho nghiệp thức mang mang đến ngày nào mới hết.
Viên Ngộ liền ấn chứng cho.
[50] Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca 永嘉證道歌: Vô minh thật tánh tức Phật tánh, Huyễn hóa không thân tức Pháp thân. 無明實性即佛性。幻化空身即法身
[51] Phật có ba đức: đoạn đức (giải thoát cứu cánh), trí đức (tuệ giác cứu cánh), ân đức (hóa độ tất cả). Ân đức gồm trong trí đức. Đoạn đức là đại niết bàn, tức niết-bàn vô trú: sự giải thoát không vướng mắc vào sanh tử và vào chính niết-bàn. Trí đức là đại bồ-đề, gồm cả 4 trí (đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quán sát trí và thành sở tác trí) tức là 3 thân.
[52] Càn tuệ 乾慧: Ái dục cạn khô nên phát tuệ, gọi là càn tuệ.
[53] Thích Thiên Nhiên, Hàm Thị (釋天然, 圅昰, 1608-1685): Thiền tăng đời Minh, họ Tằng, tên Khởi Tân, pháp danh Hàm Thị, tự Lệ Trung, pháp hiệu Thiên Nhiên, người xứ Nam Hùng, Quảng Đông. Nối pháp đời thứ 34, tông Tào Động, hệ Thanh Nguyên từ thiền Sư Đạo Độc 道獨. Tác phẩm: Tâm Kinh Trực Thuyết Bạt, Trường Khánh Tông Bảo Độc Thiền Sư Ngữ Lục Tự, Lô Sơn Thiên Nhiên Thiền Sư Ngữ Lục, Lăng Già Kinh Tâm Ấn, Lăng Nghiêm Kinh Trực Chỉ, Hạt Đường Thi Tập, Bát Nhã Tâm Kinh Luận, Kim Cương Chánh Pháp Nhãn.