Tại sao Lên đồng lại bột phát ở xã hội đô thị?
thì dần dần tục thờ này có sự chuyển hoá thành hình thức tín ngưỡng nhuốm đậm màu thương nghiệp, gắn bó với tầng lớp thương nhân, thị dân ở các đô thị. Đây cũng là thời kỳ mà tục thờ Mẫu sơ khai, nguyên thủy tiếp nhận các ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa, nhất là với sự xuất hiện của vị thần chủ Thánh Mẫu Liễu Hạnh... đã biến tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần nguyên thuỷ thành Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ gắn liền với các khát vọng sức khoẻ, tài, lộc của con người ở cõi trần gian.
2. Đổi mới 1986, cái mốc đánh dấu quá trình phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam thời hiện đại. Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam cũng bùng nổ với tốc độ cao, có lúc, có nơi trở nên hỗn loạn, nhiều khu công nghiệp, ven Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh trở thành điểm đô thị hoá nóng. Hiện tượng đô thị hoá và phát triển kinh tế thị trường gây nên các đảo lộn xã hội về nhiều mặt: Di chuyển dân cư theo hướng tập trung vào các đô thị lớn, kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải, các hệ thống xã hội truyền thống bị phá vỡ, đời sống văn hoá, tâm lý bị bức xúc và dồn nén. Xã hội đô thị, nhịp sống đô thị khiến con người sút giảm niềm tin vào bản thân, cộng đồng, người ta đi tìm kiếm những niềm tin tâm linh, tìm kiến chỗ dựa, sự an toàn tinh thần ở các lực lượng siêu nhiên.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, cùng với sự thay đổi nhận thức về văn hoá truyền thống, về tôn giáo tín ngưỡng, nên đời sống tôn giáo tín ngưỡng có sự khởi sắc rõ rệt, nhiều cơ sở thừa tự như đền, đình, chùa, phủ, điện, miếu được trùng tu, xây mới, các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo sôi động. Trong bối cảnh đó, đạo Mẫu và Lên đồng vốn xưa bị cấm đoán nay có cơ hội phục hồi và phát triển. Hiện tượng Lễ hội Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, Lễ hội Phủ Dầy ở Nam Định, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang... là các hiện tượng tiêu biểu của sự đổi mới của đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam [1].
Ở Hà Nội (khi chưa mở rộng), theo điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo có 83 ngôi đền, phủ thờ Mẫu, ngoài ra còn có hàng trăm điện thờ cá nhân ở tư gia của các Ông đồng, Bà đồng, các điện thờ Mẫu ở hầu hết các ngôi chùa ở Hà Nội theo mô thức “Tiền Phật, hậu Mẫu”. Như vậy, nếu tính gộp lại tất cả các đền, phủ, điện (cả điện cá nhân và điện ở trong chùa) thì nơi thờ Mẫu và cũng là nơi có thể diễn ra nghi lễ Lên đồng lên tới hàng trăm. Mỗi đền phủ, điện như vậy thường có ông bà đồng chủ trì, ngoài ra xung quanh mỗi đền, phủ như vậy lại có hàng trăm, có đền phủ lớn thì có hàng ngàn con nhang đệ tử, tín đồ, tạo nên các “cộng đồng tín ngưỡng” Đạo Mẫu. Hàng năm, vào dịp “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ”, tại các đền, phủ, điện đều diễn ra nghi lễ Lên đồng. Tính ra, hàng ngày vào các dịp tháng 3 và tháng 8 ở 3 thành phố lớn, Hà Nội, Huế và Tp. Hồ Chí Minh có hàng trăm cuộc Lên đồng.
3. Trong môi trường xã hội đô thị hiện nay các loại đồng bóng cũng đa dạng hơn. Có thể chia thành hai loại chính :
- Những Ông đồng, Bà đồng do căn số, do vậy một số người trong họ thường gặp phải tình trạng bệnh tật, làm ăn không được xuôn xẻ, phải ra trình đồng, mở phủ và theo nghề đồng bóng để chữa bệnh cho bản thân và cầu cúng cho người khác. Loại ông đồng, bà đồng này xưa kia chiếm số lượng rất đông.
- Những thập niên gần đây ở các đô thị, ngoài các Ông đồng, Bà đồng có “căn số” thì cũng đã xuất hiện loại Ông đồng, Bà đồng mà dân gian thường gọi là “Đồng đua, đồng đú”. Bản thân những người này thường không có “căn số”, họ là người giàu có, có nhu cầu thể hiện, coi Lên đồng là một thú ăn chơi, giải tỏa những dồn nén của xã hội đô thị, thương trường và không ít người cũng thông qua hoạt động này để kinh doanh làm giàu. Loại này phần lớn chỉ tập trung ở các đô thị, xưa kia rất ít thấy, nay xuất hiện ngày càng nhiều.
Trong hai loại kể trên thì các ông đồng, Bà đồng là những người kinh doanh ngày một nhiều và chiếm đa số, khiến người ta nghĩ rằng đạo Mẫu và Lên đồng là của tầng lớp thương nhân. Với họ, đạo Mẫu và nghi lễ Lên đồng không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho các hoạt động buôn bán, kinh doanh của mình, mà một số người đã trở thành những người “kinh doanh tín nguỡng” là chính, giống như các Ông đồng, Bà đồng (Cút) ở Hàn Quốc.
Các nghi lễ Lên đồng ở đô thị cũng dần có khác biệt với nông thôn, thể hiện trên mấy phương diện:
- Tính “cung đình hoá” và “đô thị hoá” thể hiện trong kiến trúc, trang trí đền, phủ, trong lễ phục, các đồ dâng cúng, trong cung cách nghi lễ Lên đồng...
- Bên cạnh tính nghi lễ theo mô thức cổ truyền, thì tính diễn xướng văn hoá cũng được tăng cường hơn, nhất là ở Sài Gòn
- Vừa cách tân hoá lại vừa dân tộc hoá trong cung cách ăn mặc, đồ dâng cúng, âm nhạc và hát chầu văn. Người ta đã mạnh dạn đưa một số làn điệu dân ca, thậm chí cả những bài hát mới, vũ điệu mới vào trình diễn lên đồng, khiến tính trình diễn có phần lấn át tính nghi lễ, tính sinh hoạt văn hoá, giải trí thể hiện ngày càng rõ rệt hơn trong nghi lễ Lên đồng.
- Trong các buổi lễ Lên đồng, ngày càng nhiều con nhang đệ tử và những người bình thường dâng lễ để cầu xin các vị Thánh thỏa mãn các nhu cầu, ước vọng rất riêng tư của họ, khiến Lên đồng tăng cường hơn tính cởi mở với đời sống xã hội.
II. Lên đồng đã trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá đô thị
1. Từ xa xưa, nghi lễ Lên đồng đã có mặt ở cả nông thôn và đô thị, tuy nhiên, từ khi Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa thì Lên đồng đã trở thành một hiện tượng bùng phát mạnh mẽ và cùng với xu hướng đó thì Lên đồng đã trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng-văn hóa ở đô thi với nhiều sắc thái và cung bậc khác nhau. Các sinh hoạt này không chỉ diễn ra ở các đền phủ, các điện Mẫu trong các ngôi chùa “tiền Phật hậu Thánh” mà còn sôi động trong các điện thờ Mẫu của tư nhân. Tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng-văn hóa này không chỉ bó hẹp trong phạm vi các con nhang đệ tử của Đạo Mẫu, mà còn thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp thị dân, như những người buôn bán kinh doanh, tầng lớp cán bộ công chức, trí thức, văn nghệ sỹ…Nghi lễ Lên đồng đáp ứng không chỉ nhu cầu tâm linh mà còn là môi trường giải trí, giải tỏa những dồn nén của xã hội đô thị. Ngay thành phần các ông, bà đồng không chỉ bó hẹp trong những người có căn số mà mở rộng ra cả những người không có căn số, mà chỉ là những người có nhu cầu giải tỏa những dồn nén của xã hội đô thị đầy ẩn ức. Trong bối cảnh đó, nghi thức lên đồng không bị che phủ trong bức màn bí mật, mà xuất hiện một cách khá công khai, tạo điều kiện cho nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận với nó.
Trong không khí cởi mở hiện nay, xuất hiện ngày càng rầm rộ các cuộc hành hương Đạo Mẫu theo quy mô của các đền phủ. Các chủ đền, đồng thày đứng ra tổ chức cho các con nhang, đệ tử của mình hành hương theo nhiều tuyến đường khác nhau, như Hà Nội - Lạng Sơn - Đồng Đăng, Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Phủ Dày - Đền Sòng (Thanh Hóa) - Đền Củi (Nghệ An)… Các tuyến đường này vốn là các con đường buôn bán huyết mạch trong xã hội cổ truyền cũng như hiện nay, từ xưa ven các trục giao thông ấy đã mọc lên nhiều đền phủ. Theo khảo sát của chúng tôi, tiền công đức đóng góp để tu sửa lại các đền phủ này cũng như các cuộc Lên đồng phần nhiều đều xuất phát từ các đô thị lớn. Thông qua các cuộc hành hương như thế này, các ông đồng, bà đồng đã mang văn hóa Lên đồng từ các trung tâm đô thị lan tỏa đến khắp các vùng nông thôn, tạo nên một xu hướng đô thị hóa trong Đạo Mẫu.
2. Trong vòng thập niên đầu thế kỷ này, đặc biệt là vài ba năm trở lại đây, có hiện tượng mới là các văn nghệ sỹ chuyên nghiệp đã đi sâu tìm hiểu và nghĩ cách đưa Lên đồng trở thành một tiết mục nghệ thuật trên sân khấu hay nói cách khác là muốn “sân khấu hóa” Lên đồng. Bắt đầu bằng các cuộc liên hoan Lên đồng, thi Lên đồng diễn ra ở nhiều nơi, được cả giới tín ngưỡng và đông đảo nhân dân tán thưởng.
Vào những năm thập niên cuối 80 đầu 90, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) đã có một thể nghiệm đưa Lên đồng lên sân khấu, kết quả là thất bại. Lúc đó, với tư cách là người chủ trì ý tưởng này, tôi vẫn chưa cắt nghĩa được câu hỏi liệu chúng ta có thể đưa Lên đồng lên sân khấu được không và phải làm gì để nó có thể thành công? Sau này tôi mới hiểu ra rằng, do nhu cầu của xã hội hiện đại, nhất là trong khung cảnh của xã hội đô thị, một mặt, Lên đồng vẫn giữ nguyên tính chất là một nghi lễ tín ngưỡng trong không gian linh thiêng của các đền, phủ, điện của Đạo Mẫu, thì Lên đồng còn có một nhánh rẽ khác, ban đầu chỉ là hát chầu văn, sau là cả nghi lễ trở thành một tiết mục trình diễn trên sân khấu, tính tâm linh tất nhiên là bị phai nhạt, nhưng tính nghệ thuật lại được thể hiện nổi trội hơn. Vở chèo 3 giá đồng của Nhà hát chèo đã nhận được sự đồng tình của công chúng trong nước và quốc tế.
Gần đây, một số nghệ sỹ sân khấu đã tiến xa hơn một bước, từ chỗ họ tìm hiểu về Đạo Mẫu và Lên đồng, đến chỗ họ đã tái tạo Lên đồng bằng các ngôn ngữ nghệ thuật múa, âm nhạc trên sân khấu. Đó là hiện tượng NSND Lan Hương đã dựng lại Lên đồng trên sân khấu nhà hát Tuổi trẻ bằng ngôn ngữ múa và âm nhạc với cái tên “Tâm linh Việt”, đã diễn nhiều đêm thu hút khá đông người xem. Tiến xa hơn nữa, nghệ sỹ piano Phó An My đã đưa lên đồng lên sân khấu với tên gọi “Bóng”, vẫn giữ lại ít nhiều tính Shaman thông qua diễn xướng trong trạng thái thăng hoa của nghệ sỹ, nhưng còn có ý nghĩa khác, là cùng (đồng) hòa tấu giữa nhạc chầu văn và nhạc hiện đại piano, và rộng hơn là cuộc đồng hiện giữa thế giới trần tục và thế giới siêu linh. Vở diễn cũng đã thành công ở cả sân khấu ở thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Một số ca sỹ đã thử nghiệm việc tự đưa mình vào trạng thái “ngây ngất” mang tính saman của Lên đồng khi trình diễn, ít nhiều tạo nên phong cách mới lạ cuốn hút người xem.
Đây hoàn toàn không phải là cuộc Lên đồng mà đã trở thành cuộc trình diễn nghệ thuật. Đó là những thử nghiệm rất đáng hoan nghênh.
MINH THIEN SƯU TẦM