1. Các khuynh hướng biến đổi
Những tư liệu lịch sử ghi chép về tín ngưỡng Tứ Phủ còn lại quá ít ỏi. Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép rời rạc thì hình thức tín ngưỡng này ít nhất có từ thời Lý. Trong “Thiền Uyển tập anh” nói về nhà sư Khánh Hỷ thời Lý Thần Tông (trụ trì ở chùa Từ Liêm, mất năm 1135), khi cùng thầy đến nhà thí chủ, Khánh Hỷ hỏi thầy rằng “ý nghĩa của Tố Thiền là thế nào mà thày đến nhà dân nghe đồng cốt nói nhảm?” Bản tịch trả lời “Hỏi như vậy chẳng hoá ra đồng cốt giáng thần à?”. Như vậy chứng tỏ từ thời Lý đã có hiện tượng lên đồng.
Thượng Kinh ký sự thời Lê của Lê Hữu Trác có kể lại một buổi ngồi đồng. Năm 1781, Ông từ Thanh Hoá ra Thăng Long, qua xã Kim Khê nghỉ lại và được mời dự buổi lên đồng “Tôi nghỉ ở trạm Kim Khê quan văn thư làm lễ vào yết miếu ở làng ấy, Ông có đặt một tiệc hát và cho mời tôi, tôi đến thì thấy một “cô đồng” đang hầu giá nhà Thánh vừa đảo vừa nói lảm nhảm. Có người bảo tôi rằng Thánh Mẫu đây linh ứng lắm, cụ vào kinh, có muốn cầu việc gì thì cứ kêu ngài. Tôi trả lời rằng, phàm ai cũng cần lấy cái sở đắc, chứ có ai cầu cái sở thất, bụng tôi không nguyện đắc cái gì thì cầu mà làm chi. Cô đồng nghe tủm tỉm cười, quan văn thư cũng trông tôi cả cười”.
Ca dao thời Lê mà sau này được ghi lại trong “Nam Phong giải trào” cũng có những câu nhắc tới hiện tượng đồng cốt:
“Bà cốt đánh trống long bong
Nhảy lên nhảy xuống cái ong đốt L...”
Thời Nguyễn, tín ngưỡng Tứ Phủ và nghi thức hầu bóng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Cùng với việc định cư của người Việt ở Nam Bộ, hình thức tín ngưỡng này cũng đã theo chân và phổ biến ở phía nam, tạo nên hình thức hầu bóng có nhiều đặc điểm đặc trưng, khác biệt với hình thức này ở miền Bắc. Đặc biệt thời Nguyễn ở Huế, nhiều người trong Hoàng tộc đã trở thành tín đồ của đạo Tứ Phủ, có người đã đứng ra tổ chức các cuộc thi hát chầu văn hay lập các đền thờ Tứ Phủ. Đạo Tứ Phủ cũng phổ biến trong nhiều tầng lớp xã hội và các bộ phận cư dân khác nhau, dần dần cũng có sự phân hoá và khác biệt về hình thức hát văn và hầu bóng. Ở nông thôn, hầu bóng vẫn duy trì các hình thức thô sơ, nguyên thuỷ với các hình thức đồng thiếp, đồng chổi, đồng nồi..., pha trộn các dạng ma thuật, như xiên lềnh, đặt chân lên lưỡi cầy nung đỏ... Ở đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đã hình thành hình thức hầu bóng ít nhiều mang tính cung đình hoá, thượng lưu hoá, phổ biến ở lớp thị dân, quan lại phong kiến.
Gốc từ một loại tín ngưỡng thờ Mẹ nguyên thuỷ và đơn sơ, trong đó Mẹ là nguồn gốc của mọi sự sống, che chở cho mọi người tồn tại bình yên trong một thế giới còn bị đe doạ bởi tai biến, nghèo khổ và chết chóc. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, từ đạo gốc thời Mẹ (Mẫu), nó tiếp thu những yếu tố ma thuật của tín ngưỡng dân gian và saman giáo, những ảnh hưởng của đạo giáo Trung Quốc, để từ đó hình thành tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ. Trong quá trình phát triển ấy, nó chịu nhiều tác động và biến đổi theo các khuynh hướng khác nhau.
a. Khuynh hướng lịch sử hoá.
Hệ thống thần linh Tứ Phủ về bản chất chỉ là sự thần hoá một thuộc tính hay hoá thân của Mẫu quyền năng thành ngũ vị Quan lớn, tứ phủ Chầu Bà, các Ông Hoàng, các Cô, Cậu... Hiện tượng một vị thần tối cao hoá thân thành nhiều vị thần khác, là một hiện tượng khá phổ biến trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới. Tuy nhiên, trong Tứ Phủ, những hoá thân của Thánh Mẫu lại là những nhân thần, mà trong quan niệm dân gian, những con người ấy có đời sống trần gian, hơn thế nữa lại là những người tài giỏi, có công lao với dân với nước, có khi trở thành các nhân vật lịch sử. Nói cách khác, đó là những thần linh đã được lịch sử hoá.
Một hiện thân của Thánh Mẫu tối cao là Liễu Hạnh Thánh Mẫu (Tiên Thiên Thánh Mẫu) là con người tuy gốc từ cõi tiên trên thiên đình, nhưng đã đầu thai thành người trần, có đời sống bình thường như mọi người, có chồng, có con, đã từng giao du với nhiều danh nhân thiên hạ.
Trong hàng ngũ vị Quan Lớn, theo quan niệm của dân gian, nhiều vị Thánh đã từng là các nhân vật lịch sử. Quan Tam Phủ gốc là một võ tướng thời Hùng Vương, Quan lớn Tuần Tranh (có tên là Quan Đệ Ngũ) là Cao Lỗ, một danh tướng thời An Dương Vương hay có nơi lại coi ông là một võ tướng nhà Trần, Quan Đệ Nhị tương truyền là Lê Sát đã từng chém đầu Liễu Thăng. Trần Hưng Đạo và các bộ tướng của Ông như Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải... cũng được tích hợp vào điện thần Tứ Phủ.
Trong hàng Chầu Bà, nhiều vị thần linh cũng được “khoác” những vai trò lịch sử: Chầu Lục tương truyền là con gái Tản Viên Sơn Thánh, đã từng báo mộng cho Lê Lợi vượt qua cạm bẫy của quân Minh, bảo toàn lực lượng để kháng chiến tới thắng lợi. Chầu Mười là người Thổ, là viên tướng cầm quân đánh tan cánh quân Liễu Thăng ở ải Chi Lăng và sau đó trấn giữ cửa ải đông bắc của Đại Việt. Chầu Thác Bờ tương truyền là mẹ nuôi Lê Lợi. Chầu Đệ Tứ vốn là vợ viên tướng cầm quân đi đánh giặc, ở nhà đã đem của ban phát cho dân nghèo. Chầu đệ Ngũ là công chúa nhà Lý đã bỏ hoàng cung đi tu, Chầu Bát Nàn là bộ tướng Hai Bà Trưng...
Các vị Thánh hàng các Ông Hoàng, nhiều ông cũng là những danh tướng có công diệt giặc, giữ gìn biên cương, khai phá đất đai, mang lại lợi ích cho dân cho nước: Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi. Ông Hoàng Đôi là người Dao đã từng cầm quân bảo vệ dân (theo lưu truyền ở vùng Cẩm Phả) hay là Quan Triệu Tường, người có công khai phá vùng Thanh Hoá, nay được dân địa phương tôn thờ. Ông Hoàng Bơ (Ba) có công phò vua diệt giặc. Ông Hoàng Lục tức tướng Trần Lưu, góp công đánh giặc Minh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình chấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái, Ông Hoàng Mười là quan văn thời Lê, người gốc Nghệ An... Ngoài ra, một số vị thần linh hàng Cô và Cậu cũng đều được gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử.
Việc nhân thần hoá và lịch sử hoá các vị Thánh Tứ Phủ kể trên không chỉ được phản ánh trong các bài văn chầu kể lại lai lịch, sự tích, mà ở các địa phương nơi được lập đền thờ, nhân dân ở đó còn lưu truyền nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan tới cuộc đời và công tích của các vị thần linh đó.
Việc nhân hoá và lịch sử hoá các thần linh, gắn các thàn linh Tứ Phủ với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là một khuynh hướng tự biến đổi và thích ứng khá nổi bật. Tuy là thế giới thàn linh siêu nhiên và đầy quyền năng, nhưng nó vẫn gần gũi với đời sống con người, giúp con người vượt qua rủi ro, vận hạn, mang lại cho họ tài lộc và sức khoẻ; gắn với lịch sử dân tộc, đáp ứng những nhu cầu của đời sống tâm linh của nhân dân: Lòng yêu nước đã được tín ngưỡng hoá, linh thiêng hoá. Mặt khác thông qua việc lịch sử hoá hệ thống thần linh của mình, Tứ Phủ tự khẳng định sự trường tồn của mình như lịch sử của dân tộc vậy. Thông qua đây tín ngưỡng, Tứ Phủ tự khẳng định chỗ đứng của mình về phía dân tộc, nhân dân, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hoá và đi vào thế giới tâm linh của con người.
b. Khuynh hướng địa phương hoá
Từ trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ, Đạo Mẫu và Lên đồng đã theo chân những người Việt di thực vào trung và nam Trung Bộ, rồi Nam Bộ. Bởi vậy, cũng như nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá khác, đạo Mẫu và Lên đồng đã chịu những biến đổi theo chiều hướng địa phương hoá, hình thành những sắc thái địa phương rõ rệt. Ngày nay, ít nhất người ta cũng thấy ba sắc thái địa phương của hình thức sinh hoạt tín ngưỡng – văn hoá này, đó là Hà Nội tiêu biểu cho đồng bằng Bắc Bộ, Huế cho Trung Bộ và Sài Gòn cho Nam Bộ.
Đồng bằng Bắc Bộ mà tiêu biểu là Hà Nội là trung tâm khởi xuất của tín ngưỡng Tứ Phủ mà nghi lễ đặc trưng của nó là Lên đồng. Ở đây, tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo giáo Trung Quốc, do vậy hệ thống thần linh đã định hình, các đền miếu, việc thờ cúng, các quy tắc lễ nghi đã quy củ. Cũng tại đây, hình thức đạo Mẫu và Lên đồng cũng sớm cung đình hoá, quy chế hoá, đã tổ chức các cuộc hát thi cung văn, có nhiều danh sĩ tham gia đặt các bài văn chầu bằng chữ Hán hay chữ Nôm... Phong cách Hát văn và Lên đồng mang tính cổ điển, quy phạm, những sinh hoạt này phần nào nặng về tín ngưỡng hơn là sinh hoạt văn hoá, nặng tính cung đình, thượng lưu hơn là dân dã.
Ở Huế – Thừa Thiên và cả miền Nam tín ngưỡng Tứ Phủ mang tên Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo. Tên chính thức này mới có từ những năm 1955 – 1956, khi mà các tín đồ của đạo này tập hợp lại trong một tổ chức, có tổng giáo hội đặt trụ sở ở Huế với 48 chi Hội gồm hàng chục vạn tín đồ, được hành nghề tự do như các tôn giáo khác1.
Về phương diện tín ngưỡng, đã có sự pha trộn giữa tín ngưỡng Tứ Phủ của người Việt ngoài Bắc mang vào và các tín ngưỡng dân gian địa phương, cũng như được nuôi dưỡng trong môi trường cung đình của phong kiến triều Nguyễn. Tín ngưỡng này lấy việc thờ Thánh Mẫu (Mẹ) là chính, đó là sự hoà nhập giữa Thánh Mẫu Tứ Phủ của người Việt và Pô Inư Nưgar (mà người Việt việt hóa thành Thiên Ya Na) của người Chăm đã từng sinh sống ở vùng này. Ngoài Thánh Mẫu tối cao và đầy quyền năng, còn có các hoá thân của Người trong bốn cõi vũ trụ. Ở đây, cũng có sự du nhập của các thần linh, mang tính địa phương, như ngoài Pô Inư Nưgar của người Chăm, còn có các vị phụ quốc, như Phạm Nghinh, Phạm Nhan, Phạm Thạch cũng như bảy vị Thánh mà đứng đầu là vua Gia Long.
Trung tâm hoạt động của tín ngưỡng này là điện (đền). Hòn Chén, vốn xưa là đền thờ Pô Inư Nưgar, mà sách Ô châu cận lục của Dương Văn An đã ghi lại thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Theo Ông, đền ở xã Khuất Phố, huyện Kim Trà, tương truyền thần là đàn bà, cũng có linh ứng. Hàng năm đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, quan bản hạt thân hành chủ tế thì được mưa ngay2. Thời Đồng Khánh, đền được trùng tu như hiện nay. Tương truyền mẹ Đồng Khánh đã lên điện Hòn Chén cầu xin cho con mình được lên ngôi và đã được linh ứng, nên sau này Đồng Khánh đã nhận là một đệ tử của Thánh Mẫu. Có thể coi, nhà Nguyễn với vua Đồng Khánh đã chính thức thừa nhận tín ngưỡng này.
Ở Huế – Thừa Thiên, cũng có tục lễ hội của đạo này vào tháng ba và tháng tám “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, tức là ngày giỗ Trần Hưng Đạo và Liễu Hạnh. Trong những ngày lễ hội của đạo này, cũng có hình thức hát văn và Lên đồng. Ngoài hầu bóng và hát văn ở các điện thờ như Hòn Chén vào các ngày hội, người ta lập bàn thờ Tứ Phủ trên các con thuyền (bằng) dọc sông Hương, lên đồng và hát chầu văn ngay trên thuyền đó. Ở đây cũng có những hình thức hầu bóng tập thể (Hầu vui), tức là nhiều Ông đồng và Bà đồng cùng một lúc nhập hồn các thần linh Tứ Phủ, điều này ít thấy ở Hà Nội hay Sài Gòn. Cung văn ở đây cũng đông người hơn, họ dùng đàn nguyệt, mõ, sênh, bộc..., người hát văn có đến hàng chục người. Âm nhạc và hát văn cũng chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc và dân ca Huế – Thừa Thiên.
Ở Nam Bộ mà tiêu biểu là Sài Gòn, hát văn và Lên đồng từ lâu đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng–văn hoá khá nhộn nhịp và mang những sắc thái địa phương. Trước nhất, trong điện thần, Bà Chúa Xứ có gốc gác xa xưa là nữ thần người Chăm Châu Đốc, cùng đồng hoá vào hàng các Chầu bà, hoá thân vào Thánh Mẫu. Lê Văn Duyệt quan triều đình nhà Nguyễn trấn giữ phương Nam đã trở thành vị thánh hàng quan lớn, có vai trò trong việc diệt trừ ma tà, chữa bệnh, giống như quan lớn Tuần Tranh, Đức Thánh Trần ở ngoài Bắc.
Ở Nam Bộ, dù trên sân khấu chuyên nghiệp hay các đền chùa cũng ít thấy hình thức hát văn riêng, mà luôn đi với hình thức lên đồng. Cũng giống như ngoài Bắc, Lên đồng ở đây là hình thức nhập hồn cá nhân, chỉ trừ trường hợp ốp đồng thì mới có hai ba người cùng nhảy múa. Nói chung, hát văn và Lên đồng ở đây ít mang tính kinh điển hơn so với ở Bắc Bộ, các nghi thức cũng ít gò bó, quy phạm, giao lưu giữa thần linh và người trần cũng thoải mái hơn, nhiều lúc mang tính chất sinh hoạt văn hoá hơn là tín ngưỡng.
Âm nhạc và làn điệu hát văn tiếp thu nhiều ảnh hưởng cải lương và dân ca Nam Bộ, thạm chí đưa vào gần như nguyên xi làn điệu và bài dân ca Quan họ như trong giá hầu Cô Cả, mà ngoài Bắc gọi là Cô Cam Đường. Những hình thức ăn mặc, múa hát cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá Chăm và các dân tộc Tây Nguyên, nhất là trong các giá hầu các vị Thánh hàng Chầu Bà...
c. Khuynh hướng tích hợp văn hoá
Có lẽ ít thấy một hình thức tín ngưỡng tôn giáo nào của người Việt mà lại thể hiện khả năng đồng hoá, tích hợp các tín ngưỡng địa phương, của các dân tộc khác nhau cùng sinh sống như là trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Sự tích hợp ở đây thể hiện cả ở hệ thống thần linh và các hình thức sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật kèm theo.
Trong điện thần Tứ Phủ, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, hàng Chầu, Ông Hoàng và các Cô đều có các vị thần linh gốc gác là người các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, như Mường, Tày, Nùng, Dao, Chăm...
Tiêu biểu nhất là các vị Thánh hàng Chầu Bà, hoá thân trực tiếp của Tứ Phủ Thánh Mẫu, phần lớn đều có gốc là người dân tộc thiểu số. Chầu Đệ Nhất (tức Mẫu Thượng Thiên) gốc là cô gái con một người Mán (Dao), Chầu Lục là người Nùng ở Hữu Lũng, Chầu Mười là người Tày (Thổ), Chầu Thác Bờ là người Mường, còn Bà Chúa Xứ là người Chăm... các vị Thánh này đều thuộc Nhạc phủ và Thuỷ phủ trông coi miền rừng núi và sông nước. Các bản văn mô tả sự tích, tính cách của các vị Chầu Bà khá sinh động, đặc trưng chi sinh hoạt các dân tộc miền núi, chẳng hạn:
...”Khi chơi ngàn núi, ngàn khe
Ngàn giang, ngàn nứa trúc tre ngàn vầu
Đôi cô Thổ, Mán theo hầu
Cô xe chỉ thắm, cô xâu hạt vàng
Sơn lam dọn quán bán hàng
Non xanh đủng đỉnh, tuyết sương gieo hò
Khăn xanh áo lục nhởn nhơ...”
(Văn chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn)
Gốc tích các vị Thánh người dân tộc miền núi này từ lâu đã có quan hệ gắn bó gần gũi với người Việt, đặc biệt phân bố trên các trục thông thương xưa giữa miền ngược và miền xuôi, như Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Yên Bái – Tuyên Quang – Lào Cai... Chẳng thế mà ngày nay, những người buôn xuôi ngược qua lại tuyến đường này đều phải dâng lễ cầu khấn các thần linh địa phương phù trợ trong làm ăn buôn bán.
Các vị thần linh Tứ Phủ gốc dân tộc thiểu số có cả nam lẫn nữ, nhưng chủ yếu là nữ thần, nên việc tích hợp các hiện tượng văn hoá kèm theo cũng rất phong phú, đa dạng. Trước nhất là cung cách ăn mặc của các vị nữ thần người dân tộc phải tuân theo cung cách các bộ nữ phục đẹp nhất của các dân tộc ấy. Chầu Thác Bờ ăn mặc nữ phục Mường với váy đen cạp thêu hoa che trước ngực yếm, áo dài xẻ vạt, đầu chít khăng trắng, cổ đeo vòng bạc, hoa tai... Chầu Mười là người Tày mặc bộ váy áo chàm, chít khăn thêu hoa, thắt lưng lụa đào, đeo các đồ trang sức ở cổ, tay, chân. Các Chầu Đệ Nhất ăn mặc nữ phục Mán, bà Chúa Xứ ăn mặc nữ phục Chăm, mặt xoa đen như nước da người Chăm...
Các bài văn chầu mô tả đời sống dân tộc, hát theo các vàn điệu dân tộc, gọi chung là điệu Xá, như Xá bàng, Xá bác, Xá quảng, Xá Thượng... Khi múa các Ông đồng, Bà đồng phải múa theo cung cách của các dân tộc...Rõ ràng là, khác với đời sống xã hội xưa kia, trong tín ngưỡng Tứ Phủ, người Việt đã cư xử với văn hoá các dân tộc thiểu số một cách hoàn toàn bình đẳng, không chút kỳ thị.
Để giải thích hiện tượng tích hợp văn hoá này, chúng ta có thể đứng trên hai góc độ, đó là góc độ vũ trụ luận nguyên sơ và đời sống lịch sử – xã hội. Trong quan niệm vũ trụ luận của người Việt và các dân tộc Phương đông, yếu tố Sơn-Thủy là cặp đôi không thể thiếu, đảm bảo cho sự cân bằng âm-dương, do vậy người Việt sống ở hạ bản (đồng bằng) thì không thể không gắn bó với người dân tộc thiểu số sống ở thượng nguồn, đó là hai nhân tố đắp đổi, bổ trợ cho nhau. Điều đó thể hiện tâm thức của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ sống giữa núi rừng ba mặt vây quanh. Hơn thế nữa, về mặt lịch sử, trong quan niệm của người Việt, vùng núi đều là “phên dậu” che chở cho người Việt trước nạn ngoại xâm triền miên đến từ phương bắc. Do vậy, vận mệnh lịch sử của người Việt luôn gắn liền với các dân tộc thiểu số. Quan niệm vũ trụ luận và tâm thức lịch sử đó đó của người Việt đã được phản ánh trong niềm tin và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng, mà Đạo Mẫu là một
GS. TS. Ngô Đức Thịnh
(Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam)
PHÚC ĐỊNH SƯU TẦM