Một số bạn vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà tìm đến con đường tu tập. Người thì do bệnh tật tự nhiên đến, người do cuộc sống tình cảm gia đình, người do công việc ngày càng đi xuống, người thì sớm có duyên lành tin vào Nhân Quả, người thì tìm sự bình an nội tâm, người thì theo người lớn trong nhà, người thì từ bé thích tìm hiểu Phật Pháp,v.v… nói vậy để thấy rằng có muôn ngàn lối để đưa bạn đến với việc thực hành Phật Pháp.
Chúng ta sinh ra mang thân người là đáng quý, nhưng theo quan niệm của Phật giáo thân người là Thân Nghiệp. Tại sao lại gọi là Thân Nghiệp vì phải chịu Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ.
Sự đau khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết mặc dù có khi nó được cụ thể rất ngắn gọn và súc tích trong dân gian: “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Đã gọi là Nghiệp thì Nghiệp từ đâu đến? gây ra khi nào? ở đâu?chúng ta không thể nhớ hết được, nhưng cái quan trọng chúng ta cần hiểu là làm như thế nào? Bằng phương pháp nào để sống an vui hạnh phúc.
Chúng ta sống ở đời thường, có đầy đủ mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, quan hệ xã hội, v.v.Chúng ta học Phật không phải để trốn tránh cuộc đời với các mối quan hệ ràng buộc ấy; mà chúng ta học Phật để ứng dụng vào đời sống, đạo và đời song hành để đạt được kết quả an vui hạnh phúc.
Mới bước vào con đường tu học với bao nhiêu Duyên thuận, nghịch như vậy;đôi khi chúng ta không hiểu rằng hành trang chúng ta mang theo quá nhiều trên một chuyến đi mới, với một hành trình dài.
Trước khi lên một chuyến tàu, chúng ta cần chuẩn bị hành trang và biết mình định đi đâu. Duyên lành,chúng tôi triển khai các bài viết gieo duyên chuyển hóa, biến Nghiệp thành Nguyện đến với tất cả các bạn hữu duyên muốn tìm sự an vui hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại với góc nhìn dễ hiểu dễ học và chắc chắn thành tựu nếu các bạn thực hành.
Trong suốt quá trình 20 năm tiếp xúc nói chuyện hướng dẫn về việc tu học, tôi nhận thấy vài vấn đề sau chúng ta cần xem xét lại để xác định cho đúng việc Đạo việc Đời nhằm giúp cho chúng ta tu học đi đến sự An Vui Hạnh Phúc.
Thứ nhất, một số bạn đã hiểu sai mục đích, ý nghĩa của việc tu tập. Mục đích dễ thấy nhất của việc tu tập, trước hết, chính là làm chủ được thân - tâm - trí của mình. Khi làm chủ được mình rồi, hiểu được nguồn gốc phát sinh bi kịch rồi, biết thế nào là nhân - quả rồi, biết quy luật vận hành của Pháp, biết thuận duyên thuận pháp.v.v. mọi thứ ắt tự nhiên trở nên suôn sẻ. Ước muốn bỗng trở thành hiện thực không phải vì Thần Phật ban cho mà bởi bản thân đã nỗ lực gieo nhân để gặt quả, nỗ lực hành động để tiến gần tới mục tiêu. Tu tập là việc để ta thấu hiểu chính ta, không phải để cố gắng thấu hiểu Thần Phật hay là làm hài lòng Ngài để đổi lấy vinh hoa phú quý. Xưa nay vốn dĩ ai cũng biết chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi là do Tham Sân Si, nhưng chỉ là hiểu trên suy nghĩ chứ không mấy ai tu học mà nhận biết rõ mình đang bị cái gì kiết sử, mấy ai chịu hỏi phải làm thế nào? Cách nào để chuyển hóa kiết sử để an vui hạnh phúc?
Thứ hai, người ta khó có thể sống đẹp Đạo khi Đời còn ngổn ngang trăm bề. Nếu muốn tu tập, hãy làm tốt việc đời trước đã. Cuộc sống túng thiếu, con cái nheo nhóc, sự nghiệp đổ bể hết lần này đến lần khác. Vì quá chán nản bế tắc mà tìm đến việc tu tập để mong mọi thứ khá lên,càng tu càng rối, nợ nần chồng chất, tiền vẫn chẳng thấy đâu. Ban đầu thì ra vẻ kiên nhẫn nhưng càng về sau lại thấy tình trạng càng thêm tệ. Nhiều người lý giải rằng: đó là do ma quỷ quấy phá không cho người ta tu tập. Nhưng sâu xa thì ma quỷ chẳng ở đâu xa, nó ở ngay bên trong tâm trí của mình.Thay vì ngồi đó mong phép lạ xảy ra, chi bằng xắn tay áo lên, vạch mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lên chiến lược hành động cải tổ lại cuộc đời. Khi đời đã được sắp xếp ngăn nắp, trách nhiệm với gia đình con cái được thực hiện thì khi đó chẳng còn có ma quỷ nào quấy phá khi người ta ngồi tụng kinh trì chú cả. Bởi vì tâm họ đã yên quá nửa rồi.
Thứ ba,một số người bước vào tu học thì kiến chấp ngày càng nhiều, do không hiểu kỹ nên đem cuộc sống của người xuất gia áp dụng vào cuộc sống người tại gia.
Ví dụ về vấn đề thực hành tu như tụng kinh niệm Phật; có người cứ 3-4h sáng là dậy tụng kinh gõ mõ trong khi chồng con cả ngày đi làm vất vả cần nghỉ ngơi yên tĩnh thì mình lại làm họ bị tỉnh giấc, từ đó ảnh hưởng sức khỏe làm họ bực mình nổi sân và kỳ thị việc tu. Hay như việc ăn chay, nào là bát này đũa này, nồi niêu này để nấu đồ chay cái kia nấu đồ mặn…hoặc giả như đi ăn ở nhà hàng (không phải nhà hàng chay) thì dù quý vị chỉ ăn rau cũng không còn là đúng nghĩa chay nữa vì nếu gọi là chay thì phải riêng rẽ hoàn toàn chứ đang nấu chung với đồ ăn mặn thì tránh sao được tuyệt đối, thà quý vị cứ chay trong tâm thôi còn bên ngoài thì thuận duyên( các bạn đọc thêm bài ăn chay ăn mặn tôi đã viết)
Thứ tư,chúng ta phải nhìn lại việc học Phật và nhìn lại những điều Đức Phật dạy để học và làm theo đúng lời dạy với nền tảng căn bản; điều thiện đã làm thì phát huy,điều thiện chưa làm thì nên làm, điều ác chưa làm thì không làm, nếu đã làm thì dừng lại. Một người tu tập việc ngồi tụng kinh gõ mõ trì chú niệm Phật không phải là tu, nó cũng chỉ như một công việc hằng ngày ở ngoài đời của chúng ta thôi, bởi vì điều đó nó chỉ cần bạn thực hành đều giống như bạn đi làm ăn lương, còn để thực sự nói đến vấn đề tu tập thì bạn phải học hiểu giáo lý áp dụng vào cuộc sống. Đừng đánh tráo khái niệm tu học theo Phật giáo là chỉ cúng kiếng, lễ lạy, đi chùa, ăn chay, niệm Phật, tụng chú, đọc kinh.. những điều đó chỉ là sinh hoạt Phật giáo thôi. Học Phật là học trí tuệ, ứng dụng lời Phật dạy trong cuộc sống đời thường.
Chúng ta đến với Phật giáo với mục đích được hạnh phúc an vui, có bao nhiêu người Phật tử hiểu được khổ là gì? Những người có xe,có tiền của, có gia đình đầy đủ con cái, muốn gì được nấy là hạnh phúc ư; hay những người không có xe, không có gia đình, không có của, không con cái là khổ ư? Chúng ta phải biết rằng cái khổ và cái hạnh phúc mà đức Phật dạy để chúng ta nhìn lại mình là do dục vọng, do tham, sân si… tất cả cái đó đưa lại cái khổ. Học Phật không phải để diệt Khổ mà phải hiểu đúng là nhìn nhận ra nguồn gốc của mọi nỗi khổ, quý vị chỉ cần nhìn nhận ra thì nó tự hết không cần phải diệt cái gì cả. Đến một thời điểm nào đó, khi ai đó hiểu rằng “Đời chính là đạo, đạo chính là đời”, ấy là khi họ đã sắp chạm tới cảnh giới của sự giác ngộ./.
Mật Liên Đăng