Việc quán chiếu các cảm giác, cảm thọ được gọi là pháp môn Thọ Quán Niệm Xứ
Tâm còn biết cảnh tốt xấu, còn biết yêu ghét, đau khổ, sân hận... thì ta còn phải sống với các thứ cảm thọ.
Cảm thọ là một khía cạnh của sự hiện hữu. Hiểu được cảm thọ là gì và không sống trong sự chi phối của nó thì ta mới chấm dứt sinh tử.
Thọ là một phần Danh pháp. Khi ta quan sát cảm thọ với Niệm và Tuệ thì phiền não không có cơ hội xuất hiện. Từ chỗ tạm thời dần dẫn đến lúc vĩnh viễn.
Vì mình còn phàm phu nên chỉ quán chiếu lúc này có lúc lại quên, còn thánh nhân thì không còn phiền não nữa. Chúng ta còn là phàm phu, những lúc chúng ta sống với Trí với Niệm thì lúc đó tâm sạch, tịnh, vắng mặt phiền não.
Bản thân các cảm thọ không phải là phiền não.
Nhưng từ cảm giác khó chịu rồi sinh tâm sân, từ cảm giác dễ chịu rồi sinh tâm tham, đó mới chính là phiền não.
Hành giả tu học hẳn biết rõ điều này: ngồi lâu thì đau lưng, đi nhiều thì mỏi chân. Nhiều khi cái đau mỏi ấy là đối tượng quán chiếu của Niệm và Tuệ.
Hành giả buổi đầu mới tu sợ các cảm giác khó chịu, luôn trông đợi các cảm giác dễ chịu. Về sau thì cảm giác nào cũng là để quan sát, không có lòng trông đợi nữa.
Hành giả tu tới rồi thì cảm giác nào cũng là cái để nhìn. Thậm chí, càng đau thì càng nhìn rõ hơn. Cảm giác nào đi nữa cũng chỉ để nhìn.
Càng có lòng trông đợi, mong cầu, móng tâm thì nó càng lâu tới. Và khi tới rồi thì sẽ ra đi rất mau vì mình quá trông đợi, quá thiết tha với nó.
Vậy thì, cảm giác nào cũng nên hờ hững nhìn nó một cách bình tĩnh, khách quan, không có lòng trông đợi thì nó đến hay đi cũng không liên quan gì đến mình. Cái này gọi là trụ mà vô trụ.
Mọi cảm giác không phải là phiền não hay đau khổ, nó không phải là đối tượng đoạn trừ mà là đối tượng để quan sát. Nhưng theo qui luật vô thường thì sau khi xuất hiện ít lâu chúng tự biến mất, cảm giác nào cũng vậy dù khó chịu hay dễ chịu.
Đã biết cảm thọ nào cũng là vô thường thì nên quan sát thôi, không lấy cũng chẳng bỏ.
Mật Liên Đăng
_________________
Nếu Bạn Gieo Niềm Tin
Bạn Sẽ Gặt Phép Màu