Người ta gọi Mật tông là Chân Ngôn tông bởi vì ta lấy chân ngôn, chủng tử tự làm chủ đích để giải quyết tất cả mọi vấn đề. Mỗi một vị Phật hay Bồ Tát sẽ có một Chủng tử và chúng ta phải biết Chủng tử của họ để sử dụng.
Thí dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát dùng chủng tử SA nhưng mà sang đến Chuẩn Đề thì lại dùng chủng tử BU . Mỗi vị có nhiều chủng tử, cho nên tùy theo người ta biến ra cái gì mà có một chủng tử đó.
Chúng ta phải hiểu Chủng Tử biến ra như vậy để làm gì?
Ví dụ như Chủng Tử SA là đi với câu Chú Om A Ro Lic .Qua tới chú Om ChaLe ChuLe ChunĐe… thì dùng chủng từ BU.
Mỗi một câu chú là một Hóa Thân và mỗi Hóa Thân là một chủng tử. Người tu mật tông thì phải học hiểu kỹ lưỡng về Chủng tử.
Chúng ta tác pháp,chúng ta sử dụng cái Chủng Tử đó để biến chúng ta thành y như vậy. Khi tôi quán chữ SA thì tôi biến thành Quán Thế Âm Bồ tát ngay tức thì. Tôi phải quán tôi trở thành Bồ tát ngay và ở vị thế đó để tôi tác pháp thì mới oai linh, chứ tôi quán chủng từ xong mà tôi thấy tôi vẫn là tôi thì làm sao mà tác pháp có kết quả được.Tất nhiên là để thành tựu thì còn phải nhiều vấn đề nữa, chứ không phải cứ nghĩ khơi khơi vậy là được.
Chúng ta nương vào chủng tử, chân ngôn, hình ảnh của Bản Tôn để từ đó tất cả chủng tử tạp niệm của chúng ta được chuyển hóa thành Bạch tịnh Thức mà không phải công phu gì nhiều. Chỉ bằng phương pháp quán tưởng luôn luôn nhớ nghĩ đến hình tượng của Ngài, nhớ nghĩ đến tay cầm bông sen, nhớ nghĩ đến tay cầm chuỗi của Ngài, nhớ nghĩ đến tất cả tay hoặc nghĩ đến tướng diện của Ngài để từ đó mình huân tập vào trong tâm thức của mình, để từ đó nó hóa giải các chủng tử ngã pháp, đây là phương pháp tu rất là kết quả, rất là nhanh.
Phương pháp này xem ra thì vẫn giữ nguyên lòng chấp pháp tướng nhưng thực tế chỉ hướng chúng ta về Pháp tướng của chư Phật thôi chứ không ra pháp tướng thế gian nữa nên mới dễ giải thoát được.
Mà học pháp tướng của Phật thì phải biết chư Phật và chư Đại Bồ Tát mười phương lăn lộn thi hành Lục Độ Vạn Hạnh cho nên các ngài mới thành tựu được Trí – Hạnh – Lực, mà cái Lực đó được kết tựu thành Oai Âm gọi là Mật Chú. Người tu Mật phải hiểu thế nào gọi là Trí, Hạnh, Lực?
Trí là sự hiểu biết sâu xa về chân lý Nhất Như, về chân lý chân thật của pháp giới.
Hạnh là từ bi hỷ xả, lòng yêu thương, sự cứu khổ.
Lực là sự chuyển động tất cả các Pháp, làm chuyển động tâm tư cũng như chuyển động tất cả hoàn cảnh… để tạo ra một sự an ổn cho tâm thức chúng sinh.
Cho nên đây là vấn đề then chốt nhất mà đòi hỏi người tu Mật phải thành tựu được 3 điều này là Trí – Hạnh – Lực.
Điều thứ 2: Người tu phải biết cái nghi của mình là như thế nào và cái chấp của mình là ở chỗ nào?.
Khi mình biết được nghi chỗ nào, chấp chỗ nào thì mình mới có thể biết được mà giải quyết và để mình hướng theo con đường Trí-Hạnh-Lực.
Mật Tông nói Trí-Hạnh-Lực có nghĩa là Tam Thân, tức là Pháp Thân – Báo Thân - Ứng Hóa Thân- gọi là Phật Tam Thân
Người tu muốn đạt đến chỗ Trí-Hạnh-Lực thì phải phá được cái nghi và cái chấp của mình. Nghi là không biết Pháp môn này có giúp mình thành tựu được hay không? Nghi là có Phật – Pháp – Tăng hay không? Nghi là có Thiên Đường – Địa Ngục hay không? Nghi là có Nhân Quả hay không? Có Luân Hồi hay không hoặc nghi có tôi hay không có tôi?...Tất cả các sự nghi ngờ đó cần phải được giải quyết.
Vì nghi đã giải quyết rồi thì sẽ hiểu biết đúng, có hiểu biết đúng thì lúc đó mới phá trừ cái chấp của mình được. Nếu mình không hiểu biết đúng, thì mình không còn thời gian để phá cái chấp của mình.
Cái chấp lớn nhất của chúng ta, cái chấp quan trọng nhất là 2 cái lý: Nhân không và Pháp không. Đó là chấp ngã và chấp pháp. Chỉ vì 2 vấn đề quan trọng này thôi, nghiệp chướng ta không sợ mà chỉ sợ 2 cái là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng tức là chấp ngã, chấp pháp thôi. Vì 2 cái này là 2 cái rất quan trọng, nó làm cho chúng ta trì trệ, làm cho chúng ta bị trôi lăn trong sinh tử chính là do 2 điều này.
Để giải quyết vấn đề này thì người tu Mật tông phải áp dụng ngay tức thì việc chuyển hóa tâm thức của mình bằng cách trì niệm Đà La Ni. Niệm chú để bắt tất cả tâm thức của mình phải rung động theo hệ số tư tưởng của chư Phật .Vì chú pháp là hệ tư tưởng của các chư Phật, hệ trí độ của các chư Phật. Cái trí độ này do sự giáo hóa, do sự chuyển y tức là chuyển cái thân xác của mình từ chỗ phàm phu thành Thánh, từ chỗ bị cột trói thành giải thoát, từ ngu si thành ra trí độ, nó mới đủ sức hóa giải tâm thức của chúng ta. Vì sao chú lại có công năng như thế? Vì đây là kết quả cuối cùng của tâm các chư Phật. Nó được ký hiệu là Phật đảnh gì đó, là tâm chú gì đó… khiến cho người tu chú trì niệm thì có thể nhờ sức chấn động của câu chú đó mà tâm thức đang chuyển động trong A-lại-da-thức chúng sinh sẽ được chuyển hóa theo hệ tâm thức đó. Khiến cho họ trụ xứ vào Trí – Hạnh – Lực của Phật. Trụ xứ chứ không phải thành tựu, trụ xứ tức là yên ổn trong Trí – Hạnh- Lực của Ngài.
Đó là biểu thị cho sự tu tập, mà chỉ như thế thì mới giải được các chướng nghiệp đó là Phiền Não và Sở Tri. Mà đồng thời có thể sinh ra cái trí phá được cái nghi, mà phá được nghi rồi thì liền phá được cái chấp.
Mật Liên Đăng
_________________
Nếu Bạn Gieo Niềm Tin
Bạn sẽ gặt Phép Màu