Pháp Hộ Ma Đông Mật
Sa Môn Thích Viên Đức Dịch Việt
Bấy giờ Kim Cang Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Phật, vì tất cả người tu hành Du Già nói ra pháp nội Hộ Ma chân thật để vĩnh viễn điều phục giặc phiền não và tất cả quỷ thần. Tu pháp Hộ Ma này, khi quán Bổn Tôn và các sắc ở bản phương có thể làm cho tam muội được tăng trưởng.
Nếu muốn thành tựu pháp Hộ Ma Tức Tai về Phật Bộ, hành giả nên quán kỹ Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, tưởng mình chính là Kim Cang Tát Đỏa ngồi kiết già trong nguyệt luân, từ nơi thân tuôn ra ánh sáng trắng, trong ngoài sáng sạch chói suốt như lưu ly. Ánh sáng từ nơi thân phát ra kết thành viên quang, trang nghiêm thân mình rất mực thắng diệu, tất cả chúng sanh khi nhìn thấy đều vui thích. Lại tưởng 10 phương chư Phật đều thành sắc trắng, số lượng của các Thế Tôn ấy nhiều như bụi nhỏ cõi tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều vào trong thân ta. Đây gọi là pháp Tịch Tĩnh Hộ Ma.
Nếu muốn là pháp Hộ Ma điều phục nên quán Phật A Súc Bệ ở phương Đông. Phật ngồi kiết già nơi nguyệt luân, các đức viên mãn, từ nời thân tuôn ra ánh sáng sắc xanh, viên quang rực rỡ, trang nghiêm màu nhiệm bậc nhất trong 10 phương thế giới. Lại tưởng tất cả Bồ Tát đều lộ vẻ Kim Cang nộ, vào trong thân ta phá dẹp tất cả phiền não và các quỷ thần.
Như muốn là pháp Hộ Ma cầu tiền của, nên quán Phật Bảo Sanh ở phương Nam, tưởng tất cả Bồ Tát đều lộ vẻ hoan hỷ vào trong thân ta. lại tưởng từ nơi thân mình tuôn ra quang minh kim sắc sáng sạch tròn đầy, tự thân trang nghiêm, ngồi kiết già trong nguyệt luân ở phương Nam, chúng sanh đều ưa chiêm ngưỡng. Tất cả phiền não không thể làm rối loạn tâm mình, bao nhiêu quỷ thần hung ác đều lánh xa không dám gần gủi.
Nếu muốn làm pháp Hộ Ma kính ái. Hành giả nên quán Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây ngồi kiết già trong nguyệt luân từ nơi thân tuôn ra ánh sáng sắc đỏ sạch, chói sạch viên mãn, chúng sanh đều ưa trông nhìn.
Lại tưởng tất cả Bồ Tát ở 10 phương số lượng nhiều như bụi nhỏ của cõi đại thiên, dùng vô số anh lạc, vô lượng thiên y, trăm ức báu để trang nghiêm. Thân hình của các vị ấy xinh đẹp vô tỷ còn hơn thiên nữ ở trong các cõi trời, tất cả đều vào thân ta, khiến cho hàng quốc vương, đại thần và các hữu tình khi thấy ta đều sanh lòng vui đẹp.
Nếu muốn làm phép Hộ Ma Tăng Ích, nên quán Phật Bất Không Thành Tựu ở phương Bắc. Phật ngồi kiết già trong nguyệt luân từ nơi thân tuôn ra quang minh ngũ sắc sáng sạch tròn đầy, chúng sanh đều ưa chiêm ngưỡng.
Lại tưởng chư Phật Bồ Tát ở 10 phương thế giới số lượng nhiều như bụi nhỏ của cõi đại thiên, tất cả đều phóng ánh sáng ngũ sắc vào trong thân ta, khiến cho tất cả sự nghiệp của ta đều được thông đạt. ( Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chơn Thật, quyển hạ.)
Kế lại nói sự sai biệt của 3 pháp Hộ Ma : Tức Tai, Tăng Ích, Hàng Phục. Nên y theo đây tùy việc mà lập Mạn Đà La và làm pháp Hộ Ma.
Nếu làm pháp Hộ Ma Tức Tai nên ngồi hướng về phương Bắc;
làm pháp Hộ Ma Tăng Ích nên ngồi hương về phương Đông;
làm pháp Hộ Ma Hàng Phục nên ngồi hướng về phương Nam.
Nếu lập Mạn Đà La cùng làm pháp Hộ Ma Tức Tai nên dùng hình tròn;
pháp Tăng Ích dùng hình vuông;
pháp Hàng Phục dùng hình tam giác.
Nếu lập Mạn Đà La cùng làm pháp Hộ Ma Tức Tai, nên dùng sắc trắng;
pháp Tăng Ích dùng sắc vàng;
pháp Hàng Phục dùng sắc đen.
Khi làm pháp Tức Tai nên ngồi tòa hoa sen;
làm pháp Tăng Ích ngồi tòa cỏ;
làm pháp Hàng Phục nên ngồi xổm không chấm đất chân mặt áp lên trên chân trái.
Nên dùng tâm thanh tịnh mà làm pháp Tức Tai;
dùng tâm hoan hỷ làm pháp Tăng Ích;
dùng tâm phẩn nộ làm pháp Hàng Phục.
Nên dùng nhánh trên ngọn mà làm pháp Hộ Ma Tức Tai; dùng nhánh giữa thân cây làm pháp Hộ Ma Tăng Ích; dùng rễ cây làm pháp Hộ Ma Hàng Phục.
(Kính ái pháp)bổ sung
Nếu muốn tất cả mọi người thấy phát tâm vui mừng, nhiếp phục lôi cuốn kẻ nam người nữ làm lành, Thiên Long, Bát Bộ, Dược Xoa nữ, thu nhiếp các quỷ thần khó điều phục, oán địch hữu tình làm những việc không nhiêu ích, đều khiến được hồi tâm hoan hỷ, chư Phật hộ niệm gia trì, đây gọi là nhiếp triệu ái kính pháp. Làm pháp này thân mặc áo đỏ, mặt hướng về Tây phương, đứng hai đầu gối và gót chân, gọi là hiền tọa (Có ba phép ngồi: 1- kiết già, 2- bán già, 3- ký hiền tọa, khiến thân ngay thẳng không lay động mà niệm tụng) quán tưởng Bổn Tôn và đồ cúng dường, hương hoa, ẩm thực, trái cây, đèn nến v.v… đều là sắc đỏ, (hương thoa dùng uất kim, hương đốt dùng đinh hương, tô hạp hương hòa với mật mà thiêu, thắp đèn dầu trái cây) từ ngày 16 đến 23 mỗi ngày ba thời niệm tụng, tối làm phép hộ ma. Nhiếp triệu Chơn ngôn: Úm Giả Lệ Chủ Lệ Chuẩn Nê (khiến đệ tử …) Phạ Thí Cự Lỗ Ta Phạ Hạ.
GIẢI: Ngài Kim Cang Trí dịch: Nếu muốn kêu triệu tất cả Thiên Long, Quỷ Thần, người chẳng phải người v.v…nên làm pháp này cho đến diệu Chơn ngôn: Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Ðề vì kia nhiếp triệu mỗ thần (Thần tên gì) thành tựu ngã nguyện Ta Phạ Hạ.
Như không có đàn tràng, nên trước tụng Chuẩn Ðề, để Kính đàn, lại tưởng sắc đỏ bán nguyệt hình đàn, ở trong bán nguyệt hình đàn, tưởng khắp chữ Hạ hoặc chữ Hàm tôn tượng cúng dường đầy đủ, tự thân mình đều tưởng ở trong bán nguyệt hình đàn ấy, hoặc ở trước tượng chỉ vẽ một bán nguyệt hình đàn cũng được, bên trong phát tâm từ bi, bên ngoài hiện tướng giận, nên tắm rửa va đoạn thực như trước.
HỘ MA
(護摩) Phạm: Homa. Cũng gọi Hô ma. Dịch ý: Hỏa tế tự pháp (pháp cúng tế lửa), Hỏa cúng dường pháp, Hỏa cúng, Hỏa pháp, Hỏa thực. Pháp cúng tế bằng cách đốt các vật cúng để cúng dường là việc làm quan trọng trong các pháp tu của Mật giáo, hàm ý ví dụ dùng lửa trí tuệ thiêu đốt tâm mê muội. Pháp này nguyên là pháp cúng dường thần lửa A kì ni (Phạm: Agni) để trừ ma cầu phúc ở Ấn độ đời xưa. Trong nghi thức tông giáo ở thời đại Ấn Y (Indo-Iranian Period) của Ấn độ cổ đại đã có pháp này; trong các văn hiến ở thời kì đầu của Lê câu phệ đà, Dạ nhu phệ đà, Bách đạo phạm thư (Phạm: Zatapatha-bràhmaịa), v.v... cũng có nói đến việc thiết lập 3 loại hỏa đàn để tu pháp. Ngoài ra, trong kinh Gia đình (Phạm: Gfhya sùtra) cũng nói rõ về các loại pháp Hộ ma rất phức tạp. Trong các vị thần của thời đại Phệ đà, thần A kì ni là quan trọng nhất, nghi thức cúng tế vị thần này của những người Bà la môn thờ lửa ở thời bấy giờ đã rất thịnh hành, họ bỏ vật cúng vào trong lò lửa của đàn tế, chờ lửa bốc lên thì cho rằng các vật cúng đã đến được miệng của các thần, các thần nhờ đó mà được sức mạnh để hàng phục các ma và ban cho loài người phúc lành, bởi thế họ cho rằng lửa là miệng của các thần, cũng là miệng của trời (Phạm: Devànàô mukha). Pháp cúng tế này về sau được Mật giáo thu dụng và dần dần trở thành pháp tu quan trọng. Nhưng ý nghĩa pháp Hộ ma trong Mật giáo rất khác với nghi thức cúng tế của Bà la môn giáo. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 19, quyển 20, thì trước khi thành đạo, đức Phật chưa biết rõ tự tính của lửa, nên Ngài đã y cứ vào kinh điển Phệ đà mà nói 44 pháp Hộ ma. Nhưng sau khi thành đạo, đức Phật đã biết rõ tự tính của lửa, liền tuyên thuyết 12 pháp Hộ ma, biểu trưng cho ánh sáng Nhất thiết trí của Như lai. Đây mới là Hộ ma chân thực.
Tu ở trong đàn Hộ ma, phải có đủ 3 thứ: Tượng Bản tôn, lư hương, hành giả, tượng trưng cho Tam mật (thân, khẩu, ý) của hành giả. Trong đó, tượng Bản tôn tượng trưng cho Ý mật, không hạn cuộc ở bất cứ đức Như lai nào hay vị Minh vương nào, chỉ tùy theo pháp tu mà quyết định; lư hương tượng trưng Khẩu mật, còn tự thân của hành giả thì tượng trưng cho Thân mật. Về phương thức thực hành thì trước hết là chọn đất, làm đàn, đặt lư hương, tụng chân ngôn, rồi bỏ các vật cúng như nhũ mộc, ngũ cốc, v.v... vào trong lư hương để thanh tịnh hóa Tam mật của hành giả hầu thành tựu các pháp Tức tai, Tăng ích, Hàng phục, v.v... Vì thực hành pháp này đều là những việc ở ngoài tâm, cho nên gọi là Ngoại hộ ma, Sự hộ ma.
2. Nội Hộ ma: không cần lập đàn, tượng Bản tôn và lư hương, mà chỉ lấy tự thân hành giả làm đàn tràng, trong tâm quán tưởng dùng lửa trí tuệ của Như lai đốt hết các nghiệp phiền não, vì pháp Hộ ma này thuộc về pháp quán của nội tâm, cho nên gọi là Nội hộ ma, lại vì pháp quán này thuộc về quán Lí pháp nên cũng gọi là Lí hộ ma. Pháp Nội hộ ma này tuy là pháp tu đặc biệt của Mật giáo, nhưng nếu xét về nguồn gốc, thì có lẽ nó đã từ thuyết Nội bộ hỏa tế (Phạm: Antara-agnizad) mà ra.
Nội Hộ ma thông thường có 5 pháp:
1. Pháp tức tai: Quán tưởng bản tính đức Đại nhật Như lai.
2. Pháp tăng ích: Quán tưởng bản tính đức Bất không thành tựu Như lai.
3. Pháp kính ái: Quán tưởng Bản tính đức Vô lượng thọ Như lai.
4. Pháp câu triệu: Quán tưởng bản tính đức Bảo sinh Như lai.
5. Pháp điều phục: Quán tưởng bản tính đức A súc Như lai. Nếu phân biệt theo tính tương đối thế gian và xuất thế gian, thì pháp Hộ ma của xuất thế gian là Nội hộ ma, còn pháp Hộ ma của thế gian và ngoại đạo là Ngoại hộ ma. Tuy nhiên, trong pháp Hộ ma xuất thế gian cũng có nội ngoại khác nhau, tức lấy Quán tâm làm nội và lấy Sự tướng làm ngoại.
Còn pháp Ngoại hộ ma, vì chưa tương ứng với nội quán, không thành tựu Tất địa , cho nên khi thực hành Ngoại hộ ma thì phải đồng thời tu quán Tam bình đẳng của Nội hộ ma, để mong nội ngoại tương ứng, lí sự dung hợp, mau thành tựu Tất địa; đó là nghĩa chân thực Ngoại hộ ma tức Nội hộ ma .
Đây không những chỉ là chỗ khác biệt giữa Ngoại hộ ma của Mật giáo và Ngoại hộ ma của ngoại đạo, mà còn là một yếu quyết của hành giả Mật giáo khi tu pháp Hộ ma. Nếu chỉ nói riêng về Ngoại hộ ma, thì ngoài tượng Bản tôn, hành giả đã trình bày ở trên, khi tu pháp, còn phải lập một đàn Hộ ma ở trước tượng Bản tôn, ở chính giữa đàn đặt một lư hương, 4 góc đàn cắm 4 cây cọc, trên các đầu cọc đều buộc dây kim cương.
Trước bàn đặt mâm lễ, mỗi cạnh mâm lễ kê một cái bàn, trên mỗi bàn để củi Hộ ma, hương bột, lư hương có cán cầm, vật gia trì, v.v...… Tu pháp này thông thường có 3 loại pháp, 4 loại pháp, 5 loại pháp, 6 loại pháp khác nhau: 1. Ba loại pháp, cũng gọi 3 loại Hộ ma. Chỉ cho 3 pháp: Tức tai, Tăng ích và Hàng phục. Ba pháp này tương ứng với nội chứng của 3 bộ Thai tạng giới.
2. Bốn loại pháp, cũng gọi 4 loại Hộ ma. Chỉ cho 4 pháp: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Hàng phục. Bốn pháp tu này được thực hành rộng rãi nhất.
3. Năm loại pháp, cũng gọi 5 loại Hộ ma. Là 4 loại pháp trên cộng thêm pháp Câu triệu. Năm pháp này tương ứng với nội chứng của 5 trí thuộc 5 bộ Kim cương giới.
Nói về công đức của 5 pháp này thì mỗi pháp đều có hiệu quả của 4 pháp kia, gọi là Ngũ pháp hỗ cụ. Chẳng hạn như khi tu pháp Tức tai thì dứt được phiền não tham, sân hoặc tiêu trừ tai nạn, đó là ý nghĩa Tức tai. Khi đã dứt trừ phiền não tham, sân thì tăng trưởng được công đức giới, định, tuệ và các thứ phúc đức khác, đó là ý nghĩa Tăng ích. Khi công đức đã được tăng trưởng, thì dần dần phá vỡ vô minh, diệt trừ các tai ách, đó là ý nghĩa Điều (hàng) phục. Nhờ các công đức ấy mà được chư Phật, Bồ tát hộ trì, đó là ý nghĩa Kính ái. Nhờ những công đức nói trên mà các điều thiện sinh khởi, muôn pháp hiển hiện, đó là ý nghĩa Câu triệu. Bốn pháp kia cũng như thế.
4. Sáu loại pháp, cũng gọi 6 loại Hộ ma. Tức là 5 loại pháp nói trên thêm pháp Diên thọ (pháp này sinh ra từ pháp Tăng ích).
Ngoài ra, củi đốt trong pháp Hộ ma, gọi là Hộ ma mộc, tro tàn gọi là Hỏa thực hôi, dao chặt củi gọi là Hộ ma đao. Tờ giấy hoặc thẻ gỗ viết chép mang nội dung cầu nguyện và chỉ thú của pháp Hộ ma, có thể dùng làm bùa hộ mạng, gọi là Hộ ma trát; phòng xá trong đó pháp Hộ ma được cử hành, gọi là Hộ ma đường. [X. phẩm Thế xuất thế hộ ma trong kinh Đại nhật Q.6; kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa Q.3; kinh Tô tất địa yết la Q.hạ; Đại nhật kinh sớ Q.8, Q.15; Bách luận sớ Q.thượng phần giữa; Tuệ lâm ân nghĩa Q.41; Hi lâm ân nghĩa Q.1].
HÔ MA ĐÀN
(護摩壇) Đàn, Phạm: Maịđala. Dịch âm: Mạn đồ la, Man đồ la. Cũng gọi Quang minh đàn, Hộ ma hỏa đàn, Hỏa đàn, Quân đồ đàn, Hỏa mạn đồ la. Đàn tu pháp Hộ ma của Mật giáo. Tùy theo nguyên liệu làm đàn có thể chia làm 2 loại: Thổ đàn (đàn đắp bằng đất) và Mộc đàn (đàn đóng bằng gỗ). 1. Thổ đàn: Đàn đắp bằng đất rất thịnh hành ở Ấn độ; có 2 cách lập, gọi là Thất nhật tác đàn pháp và Thủy đàn pháp. Cách thứ 1: Trước hết chọn địa điểm, cúng thần đất trong 7 ngày 7 đêm, sau đó đào đất, làm cho sạch sẽ, rồi vẽ Mạn đồ la chư tôn. Cách thứ 2: Trong tình hình khẩn cấp như dịch bệnh bộc phát, chiến tranh bùng nổ, v.v... thì nghi thức cần phải vắn tắt. Nghĩa là chỉ trong một ngày rưới nước làm cho đất sạch sẽ, rồi lập đàn Hộ ma, giữa đàn đào một cái lò, bên ngoài lò vẽ 3 lớp viện, các vị tôn trong Mạn đồ la của 3 lớp viện tùy theo các pháp: Tức tai, Tăng ích, Hàng phục, Câu triệu, Kính ái mà có khác và thường được tượng trưng bằng hình Tam muội da. Cứ theo Kim cương đính du già hộ ma nghi quĩ, nếu tu pháp Tức tai thì ở 4 phương của viện chính giữa vẽ chày Yết ma, 4 góc vẽ hoa sen; 4 phương của viện thứ 2 vẽ 4 bồ tát Ba la mật (Kim cương ba la mật, Bảo ba la mật, Pháp ba la mật, Yết ba la mật), 4 góc vẽ 4 bồ tát Nội cúng dường (Hi, Man, Ca, Vũ), 4 cửa của viện thứ 3 vẽ 4 Nhiếp bồ tát (Kim cương câu, Kim cương tác, Kim cương tỏa, Kim cương linh), 4 góc vẽ 4 bồ tát Ngoại cúng dường (Hương, Hoa, Đăng, Đồ), chính giữa vẽ Bát phương thiên (8 vị trời thủ hộ 8 phương) ở chính giữa Mạn đồ la an vị tượng Biến chiếu tôn (đức Đại nhật Như lai). Tuy nhiên cách vẽ và phân bố các tôn vị cũng tùy theo các kinh và nghi quĩ mà có khác nhau. Về hình dáng và kích thước của Thổ đàn, cứ theo các kinh và nghi quĩ thì có nhiều thuyết, nhưng phổ thông thì đàn Hộ ma Tức tai là hình tròn, mầu trắng hoặc vàng; đàn Tăng ích là hình vuông, mầu đỏ hoặc vàng; đàn Hàng phục hình 3 góc, mầu đen; đàn Câu triệu và Kính ái là hình bán nguyệt, hoặc là hình 8 cánh sen, mầu đỏ hoặc tạp sắc. Còn về kích thước thì tùy theo đường kính lớn nhỏ mà có cao thấp khác nhau như: 4 khuỷu tay, 3 khuỷu tay, 2 khuỷu tay, v.v... 2. Mộc đàn: Hình dáng và kích thước cũng tùy theo pháp tu mà có khác nhau, nhưng phổ thông phần nhiều dùng đàn hình vuông. Bên ngoài lò Hộ ma không vẽ 3 lớp viện. Bốn góc đàn đóng 4 cây cọc, dùng những sợi tơ 5 mầu giăng trên các đầu cọc. Trên đàn bày nước hoa thơm (át già), hương xoa, tràng hoa, hỏa xá (lư hương), các thức ăn uống, đèn sáng, nước sái tịnh, nước súc miệng, 5 chiếc bình, v.v... Cách trang trí và sự sắp xếp các vật cúng trên đàn cũng tùy theo các phái mà có khác. [X. kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.4; phẩm Hộ ma đàn trong kinh Nhất tự Phật đính luân vương Q.5; kinh Du già đại giáo vương Q.6; phẩm Hộ ma trong Từ thị quĩ Q.hạ; Hộ ma bí yếu sao Q.5].