Sách viết:
1. Tài doanh phách bão nhất,
Năng vô ly hồ? Chuyên khí trí nhu, Năng anh nhi hồ? Địch trừ huyền lãm, Năng vô tỳ hồ?
2. Ái dân trị quốc, Năng vô vi hồ? Thiên môn khai hạp. Năng vô thư hồ? Minh bạch tứ đạt, Năng vô tri hồ?
3. Sanh chi súc chi, Sanh nhi bất hữu, Vi nhi bất thị, Trưởng nhi bất tể, Thị vị huyền đức. Dịch rằng:
1. Làm cho hồn phách hiệp một, Không thể chia lìa, đặng không? Làm cho hơi thở tụ lại, Như trẻ sơ sinh, đặng không? Gột rửa lòng ham huyền diệu, Đừng chút bợn, đặng không?
2. Thương dân trị nước, Mà làm như không làm, đặng không? Cửa trời khép mở, Mà làm như con mái, đặng không? Hiểu biết tất cả, Mà làm như không biết gì cả, đặng không?
3. Sanh đó, nuôi đó Sanh mà không chiếm cho mình, Làm mà không cậy công, Làm bậc lớn mà không làm chủ, Đó gọi là huyền đức.
Bình chú:
1. Làm cho hồn và phách hợp lại làm một luôn luôn, không cho chúng chia lìa nhau. Càng chia lìa, càng khuấy động tâm trí, càng hao tổn tinh thần. Điều hòa hô hấp để hòa khí tụ lại, giữ vững mãi sự “bão nhất” của đứa trẻ sơ sinh. Đừng nghĩ ngợi về lòng tham dục, lòng vọng động vì những huyền diệu của trời đất. Càng ham muốn biết được cái huyền diệu thì sinh lực hao mòn. Khi ta “bão nhất”, thì vấn đề huyền diệu trong cõi trời đất tự động giải quyết. Vì “ta với trời đất, vũ trụ đã hòa làm Một”.
Tâm “chân không”, không phải là trong tâm không có gì, mà là tâm không có dục vọng, không có tư tâm tư lợi tầm thường của đời. Tâm mà chứa những thứ bẩn đục, nhơ nhớp của cái tư dục thì tâm với thân càng xa lìa nhau. Tâm mà muốn thanh cao, mà thân lại chìm trong đam mê sắc dục thì càng hư hao tổn thất tinh thần. Vì vậy tâm với thân phải có sự hòa nhất. 2. Thương dân trị nước, đó là lẽ thường của bậc quân thần (thời ấy). Nhưng mà làm một cách tự nhiên, làm như mặt trời soi sáng cho hoa nở. Hoa nhờ ánh mặt trời mà nở, nhưng cứ tưởng chừng là tự nó nở. Cái đức ấy, to lớn vô cùng.
Cửa trời khép mở, Đạo trời luôn luôn xoay chuyển. Vậy thì luôn “làm như con mái”, “thụ động” là như thuận theo lẽ trời, theo tự nhiên, chứ không cưỡng cầu, không tham vọng. “Hiểu biết tất cả, mà làm như không biết gì cả” tức là đức khiêm nhường, càng nói thì càng mắc vào cái lòng tư dục hay tranh. Mà hay tranh thì càng rời xa đạo. 3. Sanh dưỡng mà không chiếm làm của riêng
Thành công mà không cậy công. Làm bậc lớn mà làm như kẻ không dám đứng trước và chỉ huy dẫn đạo. Đó là những hành vì của kẻ hiểu Đạo mà Lão Tử gọi là “huyền đức”. Tức là cái đức huyền diệu vô cùng. Chương này chỉ bàn đến cây, cảm ơn các đạo hữu đã dành thời gian đọc.
|